Ngày 6.9, lần đầu tiên Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam công bố kết quả xếp hạng 49 trường trong nước và theo như công bố xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp vị trí đầu tiên và trường Y Dược Hải Phòng đã xếp cuối hạng.
Các trường đại học có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều xếp hạng trung bình như ĐH Y Hà Nội (thứ 20),ĐH Ngoại thương (thứ 23), ĐH Thương mại (thứ 29), ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40). Trong buổi công bố này, nhóm xếp hạng đại học Việt Nam đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.
Theo nhóm nghiên cứu, bảng xếp hạng đại học độc lập chỉ mang tính chất tham khảo cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường đại học Việt Nam, đồng thời mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới. Được biết, để có kết quả này các chuyên gia độc lập đã phải mất 3 năm thu thập các dữ liệu từ các trường đại học, nghiên cứu các tiêu chí và thực hiện xếp hạng các trường đại học theo các tiêu chí này.
Theo phân tích của nhóm, những trường có thứ hạng cao chủ yếu là có thành tích trong công bố quốc tế. Bảng xếp hạng cũng cho thấy, sức ép cạnh tranh sẽ khiến các trường đại học không dựa được vào ánh hào quang “truyền thống” mà đầu tư theo chiều sâu vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, trong các bảng xếp hạng Đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics..., Việt Nam chưa có trường Đại học nào lọt vào danh sách Top 1000. Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng Đại học thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa thấy được công bố. Mặt khác, cho đến nay, Đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng.
Bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam
Vào giữa tháng 6.2017, Việt Nam có 4 trường Đại học đạt kiểm định chất lượng quốc tế do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp đánh giá gồm các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội cùng Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa TPHCM.
Được biết, nhóm nghiên cứu về bảng xếp hạng gồm có 6 người là:
TS. Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng).
TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo).
TS. Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng).
TS. Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh.
ThS. Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh.
Giải thích về việc có bảngxếp hạng trên, TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Đó là những rào cản và thách thức cho những nỗ lực cải cách của các trường này trong thời gian tới.
Điều gây ngạc nhiên là một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm lĩnh vị trí cao trong bảng xếp hạng. Trường Đại học Tôn Đức Thắng vươn lên đứng thứ 2 về tổng thể, chỉ sau Đại học Quốc gia Hà Nội . Điều này có được là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường. Một trường khác là Đại học Duy Tân cũng có những đầu tư bài bản để vươn lên thứ hạng cao (9), chủ yếu là nhờ thành tích trong công bố quốc tế (thứ 3).
Bên cạnh đó, TS Hưng cũng cho biết: "Chúng tôi lường trước được việc công bố bảng xếp hạng đại học có thể gặp phải những phản ứng từ các trường hoặc xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi minh bạch trong tiêu chí xếp hạng, sử dụng số liệu công khai, kiểm chứng được, lại tuân thủ các nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch, có tính cách khoa học, nên cũng không có gì lo ngại. Đối với nhóm, đây là dự án độc lập và vô vị lợi, triển khai dựa trên công sức cá nhân của các thành viên, nên không có sự thiên vị trong đánh giá. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy yên tâm khi công bố. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để làm rõ những điều còn chưa rõ”.
Dạ Thảo