Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm giảm mạnh, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.
Trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng giảm mạnh
Theo báo cáo của FiinRatings, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm đã giảm mạnh và chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỉ đồng, giảm gần 64,13% so với cuối năm 2021, trong đó có 236,8 nghìn tỉ phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỉ qua kênh chào bán ra công chúng.
Hoạt động phát hành có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Nếu như nhóm ngân hàng vẫn chứng kiến phát hành sôi nổi từ đầu năm đến nay nhằm tăng vốn cấp 2, thì phát hành trái phiếu bất động sản gần như chững lại. Kênh phát hành trái phiếu ra công chúng ghi nhận 21 đợt chào bán, sụt giảm mạnh so với con số của năm 2021 là 40 đợt.
FiinRatings cho rằng thị trường chứng kiến nhiều hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu đang diễn ra. Một số phương án khả thi có thể kể đến như gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hay “hàng đổi hàng”.
Đây được đánh giá là các giải pháp đảm bảo lợi ích cho cả 2 bên, nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ. Trên thực tế, thị trường vừa qua đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp áp dụng các giải pháp trên.
Để chuẩn bị cho các tình huống khi có một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và nhằm gỡ bỏ nút thắt cho kênh vốn trái phiếu, FiinRatings cho rằng nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trong các tình huống không mong muốn xảy ra khi có các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu.
Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2022, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần thiết có “một bàn tay hữu hình và mạnh mẽ”.
Theo ông Thuân, trong ngắn hạn, cần rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân; hướng dẫn rõ ràng về việc cơ cấu lại nợ; đánh giá rủi ro đối với ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế; cân bằng giữa công bố thông tin công khai và tái cơ cấu tư nhân.
Về chương trình tín dụng bất động sản, ông Thuân đề xuất giới thiệu chương trình tín dụng nhà ở dành cho người mua nhà và bất động sản dưới dạng “Kiểm soát tín dụng một chu kỳ”; đặt thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đủ điều kiện làm tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cần thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin của thị trường…
Ở dài hạn hơn là tăng cường minh bạch thông tin về chế độ công khai đối với chủ nợ; quy trình bán trái phiếu, tăng cường thực thi xếp hạng tín dụng và thiết lập mô hình đơn vị định giá trái phiếu; ra mắt thị trường thứ cấp tập trung vào tháng 6.2023 theo yêu cầu của Nghị định 65 để công bố thông tin, định giá và thanh khoản; mở rộng các nhà đầu tư cơ sở vì hiện tại chỉ có các ngân hàng và quỹ trái phiếu phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt…
Bộ Tài chính vào cuộc tìm giải pháp cho thị trường
Cũng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, tại buổi làm việc với các cơ quan ngày 23.11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay công ty An Đông và ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.
“Chúng ta đang nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án. Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình của doanh nghiệp hiện nay có những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng”, Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh nếu tiếp tục tình hình này thì rất khó khăn cho thời kỳ tiếp theo.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định trái phiếu doanh nghiệp luôn xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30.9, toàn thị trường có 1,26 triệu tỉ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mong muốn cuộc làm việc với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành có thể tìm ra giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán quay trở lại bình thường và tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho trị trường trái phiếu và tăng cường tính thanh khoản.
Trả lời một số cơ quan báo chí bên lề buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết Bộ Tài chính khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường, công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội trái phiếu nêu ra những khó khăn vướng mắc của thị trường liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, các thanh khoản cũng như khó khăn về mặt pháp lý.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
“Đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và có được sự phát triển của thị trường mạnh mẽ trong thời gian tới, giúp cho doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm một cách đầy đủ với các nhà đầu tư theo những gì mà doanh nghiệp đã cam kết”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nêu rõ sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa được phát hành, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp.