Việc Tổng thống Vladimir Putin quyết sửa Hiến pháp Liên bang Nga đã khiến có nhận định ông lên kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của mình vĩnh viễn. Có vẻ ông Putin đang xem xét nhiều phương án để thực hiện ý muốn này.

Ông Putin sẽ giữ vị trí nào để tiếp tục lãnh đạo nước Nga?

16/01/2020, 17:25

Việc Tổng thống Vladimir Putin quyết sửa Hiến pháp Liên bang Nga đã khiến có nhận định ông lên kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền của mình vĩnh viễn. Có vẻ ông Putin đang xem xét nhiều phương án để thực hiện ý muốn này.

Tổng thống Putin với Thủ tướng Medvedev - Ảnh: TASS

Trong Diễn văn liên bang ngày 15.1, ông Putin gây xôn xao cho xứ sở bạch dương và giới chính khách, khi ông kêu gọi sửa Hiến pháp, nhằm cho phép ông có hướng mới để nắm quyền lực, một khi đến năm 2024 ông sẽ kết thúc chức tổng thống (hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ 6 năm).

Sau đó, chính phủ Nga do đồng minh lâu năm của ông Putin là ông Dimitri Medvedev làm Thủ tướng bất ngờ từ chức tập thể, dọn đường cho mục tiêu sửa Hiến pháp.

Tại sao ông Putin muốn duy trì quyền lực?

Theo Times, dù ông Putin có tầm ảnh hưởng khổng lồ ở Nga, ông vẫn có thể chuốc lấy nguy hiểm nếu tự tuyên bố làm tổng thống vĩnh viễn. Nay xem ra ông quyết tổ chức chậm nước đi kế tiếp của ông, như sửa Hiến pháp, sẽ cho ông có nhiều chọn lựa để nắm quyền lực, cũng như có thêm 4 năm để xác định rõ ông nên nắm vai trò gì.

Tờ báo Mỹ nhắc rằng trong thời gian đầu làm Tổng thống Nga, ông Putin xây dựng uy tín từ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vào lúc giá dầu tăng cao giúp Nga thu nhiều ngoại tệ nhờ bán “vàng đen”. Nhưng khi giá dầu “rớt” trùng với việc phương Tây trừng phạt Nga (vì vụ sáp nhập Crimea) sự cải thiện cuộc sống ấy nay đã là chuyện quá khứ, thu nhập của dân Nga vẫn thấp như hồi năm 2013.

Trong những năm 2011, 2012, đã có những cuộc biểu tình phản đối chính phủ, và các cuộc xuống đường càng quyết liệt hơn trong năm 2019. Các thăm dò dư luận cho thấy sự bất tín nhiệm các kênh truyền hình thân Điện Kremlin ngày càng tăng, và dân Nga ngày càng chú ý theo dõi thời sự qua internet. Bên cạnh đó, việc kêu gọi tinh thần yêu nước của Điện Kremlin - từng lên cao khi ông Putin sáp nhập bán đảo Crimea về Nga năm 2014 - nay đã mất sức hút, chủ yếu do những vấn đề xấu của kinh tế Nga.

Trong khi một bộ phận dân Nga ngày càng quy trách nhiệm cho ông Putin vì những khó khăn mà họ phải chịu đựng, thì có nhiều người hơn chỉ trích thói quan liêu của những quan chức cấp dưới của ông. Theo tổ chức thăm dò dư luận Levada, uy tín ông Putin từ 82% hồi tháng 4.2018 đã tụt xuống còn 68%. Nhưng uy tín của Thủ tướng Medvedev càng kém hơn, với tỷ lệ hài lòng chỉ 38%.

Tất cả những điều này có nghĩa Điện Kremlin muốn thể hiện, qua việc Thủ tướng Medvedev và các bộ trưởng bất ngờ từ chức, là Tổng thống Putin nắm được tâm tư, yêu cầu về sự thay đổi của người dân Nga. Ông nói trong diễn văn liên bang: “Rõ ràng người dân muốn có sự thay đổi triệt để”, đồng thời liên tục hứa cải thiện cuộc sống đời thường của dân Nga. Ví dụ học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 sẽ được bữa ăn nóng miễn phí.

Không ai có thể soán quyền của ông Putin

Việc Tổng thống Putin chọn ông Mikhail Mishustin làm ứng viên thủ tướng xem ra phản ánh sự lo lắng của ông về chất lượng sống của dân Nga bị suy giảm, điều góp phần gây ra những cuộc biểu tình trong năm 2019.

Ông Mishustin được ghi nhận là một trong những nhà kỹ trị hiệu quả nhất Nga. Ông làm Cục trưởng Cục Thuế liên bang Nga từ năm 2010, đảm nhiệm trọng trách hiện đại hóa ngành thuế đầy rẫy tham nhũng và làm việc lười biếng, không hiệu quả.

Và không như các nhà cải cách kinh tế nổi tiếng của Nga, ông Mishustin không thuộc đảng phái nào, giúp giảm đi khả năng ông sử dụng quyền lực mới để “soán quyền” của ông Putin, người đã áp đặt quyền lực lên Quốc hội Nga, dù trên lý thuyết, hệ thống lãnh đạo của Nga giống của Pháp: một tổng thống quyền lực chịu sự giám sát của quốc hội và của hội đồng bộ trưởng do một thủ tướng đứng đầu và cũng có quyền lực riêng.

Các động thái này cho thấy ông Putin khéo léo thực hiện kế hoạch ngự trị vững chắc trên quyền lực vốn đã tuyệt đối. Ông đã có 20 năm đảm trách các chức vụ Tổng thống từ năm 2000 đến 2008, Thủ tướng Nga dưới thời Tổng thống Medvedev (từ tháng 5.2008 tới tháng 5.2012) rồi lại làm Tổng thống từ năm 2012 cho đến nay.

Hiến pháp Nga hiện cấm bất kỳ ai làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nên để duy trì quyền lực, ông Putin cần tìm ra cách thiết kế một cuộc chuyển đổi lãnh đạo. Vì thế, xem ra ông đề nghị sửa Hiến pháp, nhằm làm suy yếu chức danh tổng thống trong khi tăng cường quyền lực của Quốc hội và Thủ tướng.

Ví dụ, trong diễn văn liên bang, ông Putin đề xuất tổng thống tương lai phải chấp thuận những thành viên chính phủ do thủ tướng giới thiệu. Hạ viện Nga cũng có quyền chọn thủ tướng và các vị trí then chốt trong chính quyền. Ông nói: “Đấy là những thay đổi rất quan trọng đối với hệ thống chính trị…, nó có thể tăng vai trò và ý nghĩa của quốc hội, của các đảng, sự độc lập và trách nhiệm của thủ tướng”.

Tổng thống Nga cũng thường đề cập đến việc cần thiết đối phó với những mối đe dọa do nước ngoài bao vây Nga. Trong diễn văn liên bang, ông tuyên bố: “Nga chỉ có thể tồn tại như một quốc gia có toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”, và ông đề nghị sửa một điều khoản trong Hiến pháp đủ cho thấy ông sẽ chọn người kế nhiệm thế nào: tổng thống tương lai của Nga có thể sẽ không được có nhà riêng và quyền công dân của một nước khác.

Và để thực hiện các thay đổi này, ông Putin đề xuất một cuộc trưng cầu ý dân, mà nếu tiến hành thì đó sẽ sẽ là cuộc trưng cầu đầu tiên của Nga kể từ năm 1993, thời ông Boris Yeltsin làm Tổng thống Nga.

Theo Times, những thay đổi trên sẽ cho ông Putin thêm thời gian tìm một vị trí để ông có thể duy trì quyền lực mà không vi phạm Hiến pháp Nga. Trong cuộc họp báo hôm 19.12, nhà lãnh đạo Nga cũng nói: “Vị công bộc khiêm nhu của quý vị đã phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, rồi rời khỏi chức vụ. Nhưng quyền Hiến pháp cho phép quay lại chức danh tổng thống, vì hai nhiệm kỳ đó không liên tiếp. Điều khoản này gây rắc rối cho các nhà phân tích chính trị của chúng ta và cho dư luận. Vậy thì có thể hủy bỏ điều khoản rắc rối đó”.

Ông Putin sẽ là chủ tịch vĩnh viễn Hội đồng An ninh quốc gia Nga?

Nay 67 tuổi, ông Putin là người lãnh đạo Nga lâu nhất kể từ sau Stalin, nên việc ông sẽ làm gì sau năm 2024 luôn là câu hỏi chính trị quan trọng nhất Nga.

Ông có thể lại làm Thủ tướng, tận dụng lợi thế có ảnh hưởng lớn của chức danh đó. Một số nhà phân tích còn chỉ ra khả năng ông thiết kế vai trò lãnh đạo theo cách của Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Kazakhstan.

Năm 2018, ông Nazarbayev tăng quyền lực cho Hội đồng An ninh quốc gia Kazakhstan, nhận chức chủ tịch vĩnh viễn của cơ quan này. Năm 2019, ông Nazarbayev từ chức tổng thống để mở đường cho người kế nhiệm do ông chọn, và chức chủ tịch hội đồng nói trên cho phép ông vẫn nắm giữ một số quyền chủ yếu.

Trong diễn văn liên bang, dù không cung cấp nhiều thông tin, ông Putin nói bóng gió về khả năng làm theo cách trên. Ông nói Hội đồng An ninh quốc gia Nga “cần có một vai trò do Hiến pháp quy định”. Ông Medvedev sau khi từ chức thủ tướng đã được ông Putin phong làm Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, mà chính ông làm Chủ tịch.

Các nhà phân tích chính trị Nga lập tức đồn đoán việc cải tổ hội đồng này, để trở thành một công cụ cho ông Putin giữ quyền lực (nhất là ở mảng đối ngoại và quân sự), nếu như ông từ bỏ chức tổng thống.

Cũng trong vài tháng qua, đã có sự đồn đoán rằng khi đề xuất sửa Hiến pháp, ông Putin sẽ có thể có thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 liên tiếp. Nhưng ông đã phủ nhận trong diễn văn liên bang: “Tôi không nghĩ thời hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp là một vấn đề nguyên tắc, nhưng tôi đồng ý với nó”.

Còn có sự đồn đoán khác, rằng sau năm 2024 thì ông Putin có thể lại làm thủ tướng, làm Chủ tịch Quốc hội hoặc làm lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, một cơ quan chính quyền chính thức, phụ trách tư vấn cho tổng thống mà ông muốn thành lập khi lần đầu được bầu làm Tổng thống Nga hồi năm 2000.

Mỹ Trinh (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin sẽ giữ vị trí nào để tiếp tục lãnh đạo nước Nga?