Một đề tài nghiên cứu khoa học vừa được sở Khoa học công nghệ TP.HCM nghiệm thu mới đây, theo đánh giá của nhiều thành viên trong Hội đồng nghiệm thu là “đồng ý nghiệm thu vì đề tài đã thực hiện quá lâu rồi!”.

Phải nghiệm thu nghiên cứu khoa học vì 'đề tài quá lâu rồi'!

Một Thế Giới | 31/07/2014, 10:24

Một đề tài nghiên cứu khoa học vừa được sở Khoa học công nghệ TP.HCM nghiệm thu mới đây, theo đánh giá của nhiều thành viên trong Hội đồng nghiệm thu là “đồng ý nghiệm thu vì đề tài đã thực hiện quá lâu rồi!”.

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án phố đi bộ và tác động của nó đến giao thông tại khu trung tâm TP.HCM” là nội dung hợp đồng được kí kết giữa ĐH Bách khoa TP.HCM và sở Khoa học công nghệ (KHCN) TP.HCM vào tháng 4.2011.

Trao đổi với Một Thế Giới bên lề buổi nghiệm thu đề tài, TS Văn Hồng Tấn thừa nhận: bản thân cũng không đánh giá cao chất lượng đề tài, nó chỉ đáp ứng yêu cầu đề ra mà thôi. “Do nhiều nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện nghiên cứu nên chất lượng đề tài không tốt”, ông Tấn nói.

Được biết, đề tài này ban đầu do người khác làm chủ nhiệm, sau đó do đi nước ngoài nên chuyển sang ông Tấn làm chủ nhiệm. TS Tấn chỉ bắt đầu tham gia đề tài này sau báo cáo kiểm định đề tài. Đề tài được thực hiện trong vòng hai năm, nhưng kéo dài 4 năm mới được nghiệm thu.

TS Tấn từng có thời gian học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

Kinh phí thực hiện đề tài là trên 500 triệu đồng. 

Đề tài đã phải trải qua 2 lần xét duyệt, 2 lần nghiệm thu, và vừa được Hội đồng, do sở KHCN TP.HCM thành lập, đồng ý nghiệm thu vào tháng 7 vừa qua. Đề tài do TS. Văn Hồng Tấn làm chủ nhiệm.   

Đề tài đạt 60,87/100 điểm, xếp loại trung bình.
Ba đề xuất và mô hình mô phỏng giao thông

Theo nội dung nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi thành 3 giai đoạn, ứng với mỗi giai đoạn có một kịch bản tổ chức giao thông khác nhau.

Kịch bản ứng với mức tác động giao thông nhỏ nhất sẽ được chọn. 

Đánh giá tác động giao thông của khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ đến tình hình giao thông mạng lưới nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xây dựng các mô hình mô phỏng giao thông vĩ mô STRADE và vi mô bằng phần mềm VISSIM.

Kết quả từ mô hình mô phỏng vĩ mô và vi mô giai đoạn 1 cho thấy ngày bình thường cũng như cuối tuần, ngày lễ, tình trạng giao thông trước và sau khi xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ tại khu vực nghiên cứu và xung quanh gần như không khác biệt, kể cả vào giờ cao điểm. 

Mức tác động giao thông chỉ rõ rệt hơn khi thực hiện cấm xe vào giờ cao điểm và dùng không gian đường Nguyễn Huệ cho phố đi bộ; tuy nhiên ở giai đoạn này, mạng lưới đường vẫn đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Theo nhóm nghiên cứu, trong các phương án đề xuất, thì phương án xây dựng phố đi bộ trên hai làn đường ở hai phía đường Nguyễn Huệ, riêng hai làn đường ở giữa sẽ tổ chức thành làn xe hỗn hợp sẽ cho tình trạng giao thông tốt hơn. 

Phai nghiem thu nghien cuu khoa hoc vi  de tai qua lau roi !
 ảnh minh hoạ
Với phố đi bộ Nguyễn Huệ - Đồng Khởi vào giai đoạn 2, mô phỏng cho thấy, mức tác động giao thông – đặc biệt ở khu vực xung quanh - khá lớn theo hướng tiêu cực vào giờ cao điểm. Việc tổ chức phố đi bộ vào giờ thấp điểm sẽ cho chỉ số giao thông tốt hơn giờ cao điểm.

Còn với phố đi bộ Nguyễn Huệ - Đồng Khởi – Lê Lợi – Tôn Đức Thắng vào giai đoạn 3, mức tác động giao thông sẽ đáng kể vào giờ cao điểm, đặc biệt tại các khu vực xung quanh, phần lớn tuyến đường đi từ bão hoà đến trên bão hoà. Qua kiểm chứng bằng mô phỏng, việc tổ chức phố đi bộ vào giờ thấp điểm sẽ giảm thiểu tác động giao thông, đồng thời tận dụng được không gian cho phố đi bộ. 

“Bắt làm lại một lần nữa thì cũng khó”

Tại buổi nghiệm thu đề tài, đa số thành viên hội đồng nghiệm thu đều đánh giá đề tài chất lượng không tốt.

PGS.TS Dương Anh Đức, ĐH Khoa học Công nghệ thông tin TP.HCM, uỷ viên Hội đồng nghiệm thu: “xét ở một khía cạnh khách quan khác, một đề tài yêu cầu tính thực tiễn thì kinh phí chỉ 500 triệu là quá tầm. Bài toán liên quan đến mô phỏng giao thông luôn là bài toán mang độ phức tạp cao. Muốn làm được nó thì ngoài các công cụ hỗ trợ thì hạ tầng CNTT phải mạnh, nhưng điều này rất khó khăn khi làm ở môi trường Việt Nam…”   

“Đề tài này thiếu phương pháp từ đầu đến cuối, dù đây là một nghiên cứu hay”, một thành viên hội đồng nhận xét.
Một ý kiến khác: “đề tài không có báo cáo, kiến nghị gì rõ ràng. Không có đề tài này thì UBND thành phố cũng đã triển khai phố đi bộ rồi, vậy đề tài có giá trị thực tiễn, ứng dụng gì?”
Một nhận xét khác thì lại cho rằng kết quả đề tài này cũng là một kiểm nghiệm lại cho quyết định xây dựng tuyến đi bộ Nguyễn Huệ - Đồng Khởi của UBND TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, thành viên này cũng đặt câu hỏi về độ chính xác của số liệu đầu vào. Đề tài chỉ mới có “xương” mà không có “thịt”, đọc khó hiểu, chưa thấy được việc phân tích số liệu…
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa Kĩ thuật giao thông, ĐH Bách Khoa TP.HCM, chủ tịch hội đồng nghiệm thu, cho biết: “đúng là đề tài này chất lượng chưa tốt, có nhiều sai sót, làm ra khó có khả năng ứng dụng được”.
Nhưng đề tài được nghiệm thu vì cũng đạt yêu cầu ở mức trung bình, và về mặt lý thuyết thì đề tài đạt, có thể dùng phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường ĐH.
Phai nghiem thu nghien cuu khoa hoc vi  de tai qua lau roi !
 ảnh minh hoạ

Lý giải nguyên nhân “đề tài làm ra khó có khả năng ứng dụng được, nhưng vẫn được nghiệm thu”, theo PGS.TS Mai, do đề tài được đánh giá theo nhiều thang điểm khác nhau (có bài báo, đào tạo thạc sĩ, đạt mục tiêu đề tài đưa ra,… trên 50 điểm là đạt), và đề tài này phải chỉnh sửa lại một lần nữa và phải thông qua 2 phản biện nếu được đồng ý thì mới được kết thúc đề tài.

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền khoa học của VN còn tụt hậu. Nhưng những đề tài đã chỉnh sửa và làm lại nhiều lần như thế này và đã thay đổi chủ nhiệm đề tài cho một giảng viên còn trẻ, mà bắt làm lại một lần nữa thì cũng khó”, PGS.TS Mai nói thêm.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, để chất lượng đầu ra của một đề tài nghiên cứu khoa học đạt chất lượng tốt hơn, nên giao cho những người có kinh nghiệm làm chủ nhiệm đề tài. Điều này là quan trọng nhất. Việc giao đề tài “nặng kí” cho những người còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết còn ít, thì đầu ra kém chất lượng là đúng. Họ cần tích luỹ kinh nghiệm dần qua những đề tài từ cấp thấp hơn. 

Lê Quỳnh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải nghiệm thu nghiên cứu khoa học vì 'đề tài quá lâu rồi'!