Với văn chương, văn hóa, Phạm Quỳnh năng nổ dự phần và để lại nhiều dấu ấn trong buổi đầu thế kỷ XX. Nhưng không dừng lại ở địa hạt chữ nghĩa, họ Phạm tiến thêm một bước trên con đường hoạn lộ.
Trước khi chính thức bước chân vào đường quan lộ, Phạm Quỳnh cũng đã tham gia nhiều tổ chức chính trị xã hội khác nhau. Với Hội Khai Trí Tiến Đức, ông là Tổng Thư ký. Còn Hội Trí Tri, ông làm Hội trưởng trong thời gian 1925 – 1926. Đang làm báo, năm 1926 Phạm Quỳnh là Nghị viên Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ. Tiếp sau, ông tham gia Đại hội đồng kinh tế và tài chính vào năm 1929. Trước đó vào năm 1922, Phạm Quỳnh đã tham gia chuyến đi Pháp đầy tai tiếng của vua Khải Định.
Thuyết Quân chủ lập hiến được Phạm Quỳnh đề xướng năm 1930, vẫn công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Trung và Bắc Kỳ, điểm này được thể hiện trong bài "Vấn đề lập hiến cho nước Nam" đăng trên Nam Phong tạp chí số 151, tháng 6.1930: “Duy có chính sách bảo hộ là thi hành được ở xứ này, vì trước hết là hợp với các điều ước hiện tại, sau nữa là có thể làm thỏa thuận được cái tư tưởng quốc gia của người An Nam”. Dĩ nhiên trong quan điểm của Phạm Quỳnh, triều đình nhà Nguyễn vẫn được duy trì, như lời của nhà văn Pháp A. Viollis nhận xét khi tiếp xúc với ông, là “Phạm Quỳnh, người bảo thủ, muốn giữ vững vương quyền An Nam”.
Tháng 11.1932, Phạm Quỳnh rời nghiệp báo, vào Huế làm Đổng lý văn phòng cho vua Bảo Đại hồi loan. Tháng 5.1933, Phạm Quỳnh ngồi vào ghế Thượng thư Bộ Học trong triều Bảo Đại. Đề cập đến bước chuyển này của Phạm Quỳnh, Việt sử mông học ghi:
Sau Quỳnh lại vào Kinh,
Chức Thượng thư lo liệu.
Còn trong Chơi chữ, Lãng Nhân cho biết một chi tiết không dám chắc có thể lấy làm thật không. Ấy là đương thời, có người sau khi biết ông “chuyển nghề”, mới chép hai câu thơ xỏ xiên làm cho Bộ trưởng họ Phạm giận lắm:
Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?
Ấy rồi, sự châm biếm đâu chỉ có vậy, lại có thơ châm sâu cay, thâm nho khác dành cho nghiệp quan của ông:
Ngọn gió Nam Phong khéo hữu tình,
Thổi từ Hà Nội, thổi vô Kinh!
Thổi nên sự nghiệp anh Tiêu đẩu,
Thổi đến công danh chú Phạm Quỳnh.
Bước rẽ công danh, sự nghiệp này của Phạm Quỳnh, nếu nhìn về đường hướng chính trị, thì rõ là một bước thăng quan, nhưng nếu nhìn về mặt công luận và sự phẩm bình về sau, thì lại là hậu quả tai hại cho ông. Và dư luận nhìn nhận về bước rẽ ấy, nặng nề lắm chứ chẳng phơn phớt đâu. Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, đã phê “Trong cuộc đời Phạm Quỳnh cái bước rẽ 1932 không phải là bước rẽ đưa đến nẩy nở và vinh quang mà là đưa đến chấm dứt sự nghiệp”. Báo Thần chung số 228, ra ngày 13.3.1967 trong bài viết "Bài học Phạm Quỳnh", tác giả X.X. có lời “Tôi ở trong số những người đó (mù quáng tin Phạm Quỳnh – người dẫn chú) và chỉ vỡ mộng khi ông thôi phụ trách tờ Nam Phong để vào Huế làm Thượng thư đầu triều”.
Ở vị trí đứng đầu “Bộ Dục” như cách hiểu hiện nay, Phạm Quỳnh thực hiện sửa đổi chương trình giáo dục ở các lớp sơ học, bị Nguyễn Vỹ, dẫu phục văn ông lắm, cũng phải nhận xét là “làm đình trệ bước tiến của thế hệ thiếu niên mới”… “Ông muốn kéo thanh niên trí thức Việt Nam giật lùi lại vài ba thế kỷ, không cần tiến lên theo trào lưu Văn hóa Âu châu. Tôi hoàn toàn không đồng ý với ông về chủ trương phản tiến bộ ấy”. Nguyễn Vỹ đã bày tỏ lại tâm sự trong Văn thi sĩ tiền chiến như vậy đó. Đến năm 1942, Phạm Quỳnh thay Thái Văn Toản làm Thượng thư Bộ Lại cho đến khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3.1945.
Đối với Phạm Quỳnh, dẫu từ lúc chính thức tham gia hoạt động chính trị hay trước đó làm báo, thì tư tưởng chính trị của họ Phạm đã thể hiện rõ nét rồi. Cái xu hướng ủng hộ, thân Pháp là không thể chìm lấp đâu cho được. Cứ xem qua những bài viết của Nam Phong tạp chí do ông làm chủ thì biết ngay thôi. Tỉ như việc ủng hộ thực dân Pháp phát hành quốc trái để Pháp có thêm tiền “giúp mẫu quốc” trong cuộc Thế chiến thứ nhất, mà về sau, câu hô hào “Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc” là một hành động rõ nét nhất cho thấy sự thân Pháp của ông, bị dư luận sau đó mỉa mai, bài bác ghê lắm. Lãng Nhân từng phê phán là “Thực ra thanh danh ông Quỳnh đã mất từ lâu rồi, từ ngày Pháp Đức giao tranh, dân ta phải mua “quốc trái” để viện trợ Pháp, ông đã không ngần ngại cho in trong tạp chí Nam Phong mà viên chánh mật thám Marty là sáng lập, câu biểu ngữ: “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”.
Trong bài viết "Dư luận về Phạm Quỳnh" vào thời điểm sanh tử của ông được Bằng Giang góp nhặt những lời bàn về đoạn cuối của Phạm Quỳnh qua Mảnh vụn văn học sử, ta thu lượm được dăm ba điều đáng nói. Như lời Thế Phong, khi nhìn nhận về đời chính trị của họ Phạm, đã chua xót mà cũng gay gắt rằng: “Nhưng đến khi làm chánh trị, làm chánh trị nghĩa là con người văn nghệ bước sang thể hiện đường lối của mình xưa phơi trên trang giấy, nay thành hành động biến cải thì than ôi, Phạm Quỳnh đã đứng về phe thống trị Pháp cho nên phản lại dân tộc Việt Nam”.
Tổng kết về chung cục cuộc đời vị học giả nổi tiếng họ Phạm, Cận đại Việt sử diễn ca có đôi dòng, rằng:
Ba Lê đàn bướm khoe hương nhụy,
Thuận Hóa cánh chuồn bám đỉnh chung.
Bể hoạn ba đào, thuyền lắc lẻo,
Gió triều biến chuyển tấm thân vong.
Văn Bắc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả