Chỉ có một điều lạ là khi chuyển ngôi Trần sang Hồ thì sử chẳng chép lấy một dòng nào về điềm lành xuất hiện cả. Với một ngày rành điển tích và "thích làm màu mè" như Hồ Quý Ly mà thời điểm nhận long bào không sáng tác ra được điềm lành gì thì cũng lạ.

Phân tích việc Hồ Quý Ly ép cháu nhường ngôi dù 'chưa có điềm lành'

13/04/2018, 08:58

Chỉ có một điều lạ là khi chuyển ngôi Trần sang Hồ thì sử chẳng chép lấy một dòng nào về điềm lành xuất hiện cả. Với một ngày rành điển tích và "thích làm màu mè" như Hồ Quý Ly mà thời điểm nhận long bào không sáng tác ra được điềm lành gì thì cũng lạ.

Điềm lành khi Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long - Ảnh: Internet

Trong số trước, chúng tôi đã nhắc đến chuyện năm 1400, Hồ Quý Ly tranh thủ khi Trung Quốc chìm trong nội chiến để tiến hành cuộc đổi ngôi. Cuộc đổi ngôi này là vở kịch hay nhưng sử nhìn chung ít đề cập. Trong cuộc đổi ngôi này, Hồ Quý Ly đã ép Trần Thiếu Đế, cũng là cháu ngoại của mình phải nhường ngôi. Sử chép: "Tháng 2, mùa xuân (1400). Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế".

Trước thời Hồ Quý Ly thì nước ta trải qua 3 lần đổi ngôi. Cuộc đổi ngôi đầu tiên là Dương Vân Nga với tư cách Thái hậu đã trao long bào cho Lê Hoàn. Cũng có rất nhiều điều tiếng trong cuộc đổi ngôi từ Đinh sang Lê nhưng chúng tôi chưa bàn ở đây. Cuộc đổi ngôi thứ 2 là vua Lê Long Đĩnh băng hà trong khi con trưởng Lê Cao Sạ vẫn còn ít tuổi, Đào Cam Mộc dẫn đầu các quan đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Cuộc đổi ngôi Lê - Lý cũng xin bàn trong dịp khác. Cuộc đổi ngôi Lý - Trần thì hình thức có vẻ dễ dàng hơn khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhưng cuộc đổi ngôi Lý - Trần cũng có nhiều chi tiết đáng bàn bạc, suy ngẫm.

Trong 3 cuộc đổi ngôi trên, người nhận ngôi đều rơi vào thế bị "ép nhận long bào". Và cứ khi có long bào thì cũng có xuất hiện các thông tin dọn đường dư luận, để dân chúng tin tưởng họ có chân mệnh thiên tử mới. Với Lê Hoàn là "Trước kia, mẹ ngài là Đặng thị đang có thai, chiêm bao thấy bụng nở ra hoa sen, rồi kết thành nhân sen ngay. Đặng thị đem chia cho mọi người, riêng mình lại không ăn. Lúc tỉnh dậy, lấy làm lạ lắm.Kịp khi sinh con, thấy con mặt mũi hình dáng khác thường, Đặng thị nói với người ta rằng: "Thằng cháu này mai sau chắc sẽ làm nên sang cả, chỉ hiềm tôi không kịp hưởng lộc thôi!"

Với Lý Công Uẩn là: "Khi còn nhỏ, thường học nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: "Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước". Với Trần Cảnh thì có tích được Lý Chiêu Hoàng té nước ướt áo rồi được diễn giải là "cho nước". Ngay cả vua Đinh Tiên Hoàng khi lên ngôi thì cũng có truyện mang đậm tính truyền thuyết: "Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, Vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, Vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên Vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, Vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá, bắt được ngọc huê lớn để vào đáy giỏ. Đến đêm vào chùa ngủ trọ, nhà sư thấy trong cái giỏ có tia sáng tròn, hỏi cớ sao, và nói rằng: "Anh này ngày sau cao quý không thể nói được".

Quay lại việc Hồ Quý Ly cướp ngôi. Hồ Quý Ly cũng muốn cuộc đổi ngôi của mình diễn ra theo hình thức bị thiên hạ ép nhận nhưng ông vẫn sợ mang tiếng là cướp ngôi của cháu ngoại nên còn làm màu mè hơn rất nhiều. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: "Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói: "Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi, nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất được?". Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời, xưng là hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu và đổi họ mình là họ Hồ, truất Thiếu Đế làm Bảo Ninh đại vương, vì Thiếu Đế là cháu ngoại, nên không giết chết".

Hồ Quý Ly khi đó cũng ngoài 60 nên nói sắp đến ngày xuống lỗ cũng không sai. Việc Hồ Quý Ly nói nếu cướp ngôi không còn mặt mũi nào nhìn tiên đế (tức Trần Nghệ Tông) cũng đúng. Năm 1394, Nghệ Tông đã có ý nghi Quý Ly cướp ngôi nên dùng chiêu tâm lý chiến bằng việc lôi một loạt điển tích ra đánh động vào tâm khảm Hồ Quý Ly vì Nghệ Tông biết Quý Ly rất rành sử, điển tích, thông hiểu Nho giáo.

Sử chép: Thượng hoàng triệu Quý Ly vào cung bảo rằng: "Bình chương là họ thân thích nhà vua, hết thảy công việc nhà nước đều ủy thác cho khanh cả, nay thế nước suy yếu, mà trẫm đã đến tuổi già lẫn, sau khi trẫm qua đời, nếu quan gia có thể giúp được thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối, thì khanh tự nhận lấy ngôi vua". Quý Ly tháo bỏ mũ, lạy sát đầu xuống đất vừa khóc vừa tạ tội, rồi chỉ lên trời thề rằng: "Nếu tôi không làm thế nào hết trung hết sức để phò tá quan gia, thì dòng dõi nhà tôi sau này sẽ bị trời chán ghét". Quý Ly lại nói: "Lúc Linh Đức vương làm điều bất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì tôi đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được đến ngày nay nữa? Tôi dầu nát thịt nát xương cũng chưa thể báo đáp ơn bệ hạ lấy một phần trong muôn phần, còn đâu dám mưu đồ sự khác, xin bệ hạ soi xét tấm lòng ấy cho hạ thần, không nên lo nghĩ quá".

Chiêu này là Nghệ Tông học chiêu Lưu Bị gửi gắm con côi cho Khổng Minh và Hồ Quý Ly cũng diễn như Khổng Minh. Trước đó, Thượng hoàng sai vẽ tranh Chu Công giúp Thành vương, Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Hậu Chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông gọi là "tứ phụ đồ", ban cho Quý Ly và dặn bảo rằng: "Khanh giúp quan gia cũng nên theo như những người ấy".

Điều Nghệ Tông không thể ngờ sau đó Hồ Quý Ly không phải trung thần kiểu Khổng Minh hay Tô Hiến Thành gì cả mà giết luôn Trần Thuận Tông (con Trần Nghệ Tông) rồi ép cháu ngoại Trần Thiếu Đế (cũng là cháu nội Trần Nghệ Tông) nhường ngôi.

Chỉ có một điều lạ là khi chuyển ngôi Trần sang Hồ thì sử chẳng chép lấy một dòng nào về điềm lành xuất hiện cả. Với một ngày rành điển tích và "thích làm màu mè" như Hồ Quý Ly mà thời điểm nhận long bào không sáng tác ra được điềm lành gì thì cũng vô cùng lạ.

Chúng tôi mạo muội đoán trước thời điểm cướp ngôi thì kiểu gì Hồ Quý Ly cũng phải "cho" xuất hiện những điềm lành kiểu như Lân vàng xuất hiện hay Mây hình rồng để mê hoặc lòng người. Nhưng có lẽ các chi tiết này không được sử gia đời sau chép để khỏi thừa nhận sự chính danh của nhà Hồ mà thôi. Ngay cả khi Hồ Quý Ly rời đô về Tây Đô thì cũng chẳng thấy sử nào chép về rồng vàng xuất hiện như khi Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Phải chăng một triều đại bị hậu thế coi là ngụy triều thì các chuyện về điềm lành không thể tồn tại?

Anh Tú

Các bài viết cùng chủ đề

Hồ Quý Ly và 2 lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh​

Hồ Quý Ly và mưu kế dùng độc trị độc với nhà Minh​

Hồ Quý Ly xử lăng trì vua bù nhìn do nhà Minh dựng​

Hồ Quý Ly đường cùng không giữ khí tiết là điều đáng thẹn

Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh

Hồ Quý Ly đầu hàng vì hèn nhát hay muốn bắt chước Việt vương Câu Tiễn

Nếu có thời gian, Hồ Quý Ly có thể thành công như nhà Trần

Hồ Quý Ly chờ bên Trung Quốc nội chiến mới cướp ngôi nhà Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân tích việc Hồ Quý Ly ép cháu nhường ngôi dù 'chưa có điềm lành'