Phát hiện mới cho thấy tổ tiên của loài người di cư không chỉ men theo bờ biển trong hành trình ra khỏi châu Phi, mà còn băng qua các vùng rừng núi và thung lũng sông ngòi nằm sâu trong lục địa.
Trong lòng hang Tam Pà Ling - một hang động tối tăm ở Lào, các nhà khoa học đã khai quật được bằng chứng sớm nhất được biết đến về việc tổ tiên loài người đã đi qua lục địa Đông Nam Á trên đường đến Úc khoảng 86.000 năm trước.
Bất kỳ dấu vết nào của hài cốt con người đều là niềm hứng khởi đối với các nhà khảo cổ học, nhưng còn thú vị hơn nhiều khi họ phủi bụi một khám phá, xác định lại niên đại và nhận ra rằng nó có thể đẩy lùi thời điểm di cư ban đầu của con người đến một khu vực hơn 10.000 năm.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế sau phát hiện mới này đã đào sâu hơn những người đi trước từng khám phá hang động Tam Pà Linh ở miền bắc Lào trước đây. Phần thưởng cho họ là khai quật được một mảnh sọ với các đặc điểm đáng chú ý và mảnh xương chân.
Bằng cách sử dụng 5 kỹ thuật xác định niên đại khác nhau để tái tạo lại dòng thời gian của địa điểm hang động nơi con người nguyên thủy trú ẩn trên hành trình đi về phía nam, các nhà khoa học ước tính hai hóa thạch của người cổ đại có niên đại từ 86.000 đến 68.000 năm.
Tại hang Tam Pà Ling trước đây, một số ít hóa thạch của con người gồm hai xương hàm đã được tìm thấy trong các lớp trầm tích nông hơn. Sau đó, chúng được xác định có niên đại từ 70.000 đến 46.000 năm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khi ấy không thể xác định niên đại trực tiếp cho các hóa thạch vì địa điểm này là khu vực Di sản thế giới và các hóa thạch được luật pháp Lào bảo vệ. Họ cũng không thể dựa vào các kỹ thuật xác định niên đại thông thường vì trầm tích chứa than củi trôi vào hang động và không bị đốt cháy ở đó.
Đối với nghiên cứu mới này, nhóm do nhà nhân chủng học Sarah Freidline của Đại học Trung tâm Florida đứng đầu, đã chuyển sang sử dụng phương pháp xác định niên đại phát quang và các kỹ thuật khác để ước tính tuổi của lớp trầm tích xung quanh hóa thạch mới được phát hiện với lớp trầm tích xưa nhất được tìm thấy ở độ sâu gần 7 mét.
Kết quả của họ củng cố ước tính tuổi của các hóa thạch được tìm thấy trước đây tại hang Tam Pà Ling và mở rộng niên đại của địa điểm này thêm khoảng 10.000 năm.
Hơn nữa, hang động cách biển hơn 300km nên phát hiện này cho thấy tổ tiên của con người di cư không chỉ men theo bờ biển trong hành trình ra khỏi châu Phi, mà còn băng qua các vùng rừng núi và thung lũng, sông ngòi nằm sâu trong lục địa.
Nhà lịch sử địa chất học Kira Westaway của Đại học Macquarie ở Úc cho biết: “Nếu không xác định niên đại bằng phát quang thì bằng chứng quan trọng này vẫn không có mốc chính xác thời gian và địa điểm, sẽ bị bỏ qua trong con đường phân bố di cư (của người cổ đại) trong khu vực”.
Nhà cổ sinh vật học Fabrice Demeter của Đại học Copenhagen, tác giả chính của nghiên cứu cho biết thêm: "Tam Pà Ling đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện di cư của con người qua châu Á nhưng ý nghĩa và giá trị của nó chỉ mới vừa được công nhận”.
Khi sàng lọc các trầm tích đã không tiếp xúc với ánh sáng trong nhiều thiên niên kỷ và cẩn trọng phân biệt các lớp của chúng dưới kính hiển vi, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những trầm tích đó dần dần chồng chất lên nhau trong khoảng 86.000 năm, và đã ghi lại sự hiện diện của con người tại hang động kéo dài khoảng 56.000 năm.
Đối với hai hóa thạch người mới được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã sử dụng so sánh nồng độ đồng vị uran và thori để tinh chỉnh ước tính tuổi của chúng. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy xương sọ bị nứt có niên đại từ 73.000 đến 65.000 năm và xương chày có niên đại 77.000 năm.
Tuy nhiên, theo bằng chứng di truyền hiện tại, những người di cư đầu tiên này hầu như không đóng góp bất kỳ vật liệu di truyền nào cho dân cư tại khu vực hiện nay.
Thay vào đó, Freidline và các đồng nghiệp cho rằng xương sọ "kết hợp với các hóa thạch đang được tranh luận sôi nổi khác từ miền Nam và miền Trung Trung Quốc cho thấy một sự phân tán sớm hơn, có thể thất bại" từ châu Phi vào Đông Nam Á.
Trong báo cáo của mình, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng mảnh sọ này "rất bắt mắt", những đặc điểm của nó giống với những di chỉ của người Homo sapiens (người tinh khôn) gần đây hơn được tìm thấy ở Nhật Bản và Việt Nam.
Họ nói rằng điều này cho thấy hộp sọ thuộc về bất cứ ai trong nhóm người xưa di chuyển qua đây, chứ không phải chỉ từ những người vượn cổ xưa như người Denisovan cũng ở trong khu vực và thể hiện những đặc điểm cấu trúc mạnh mẽ hơn.
Rất có thể những nhóm người thám hiểm đầu tiên đã khởi hành theo từng đợt, băng qua Đông Nam Á cho đến khi họ vượt các vùng biển để đến Úc. Trên đường đi, một số nhóm đã thất bại khi những nhóm khác sau đó đã thành công.
Westaway, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết: “Cuối cùng, chúng ta có đủ bằng chứng để tự tin nói rằng Homo sapiens lần đầu tiên đến khu vực này khi nào, họ đã ở đó bao lâu và họ có thể đã đi theo con đường nào".