Dù đến nay TP.HCM đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở các cấp độ khác nhau, nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa dừng lại mà còn diễn biến hết sức phức tạp.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Dịch tăng, ngoài yếu tố biến chủng Delta còn do chủ quan lơ là

Hồ Quang | 25/07/2021, 11:48

Dù đến nay TP.HCM đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở các cấp độ khác nhau, nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa dừng lại mà còn diễn biến hết sức phức tạp.

Vì sao giãn cách thời gian dài, dịch vẫn tăng?

Chia sẻ tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng nay (25.7), Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn chưa dừng lại và đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

Tính từ ngày 31.5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở các cấp độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19.

Từ thực hiện Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 10 của TP.HCM đến Chỉ thị 16, và bây giờ lại tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 cùng với các biện pháp tăng cường siết chặt hơn, nâng cao hơn nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

Đánh giá về việc thành phố đã căng mình chống dịch COVID-19 suốt thời gian dài, thực hiện nhiều cấp độ giãn cấp xã hội, nhưng dịch vẫn càng diễn biến phức tạp, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan và sự lơ là, chưa nghiêm các cấp, các ngành, lực lượng thực thi công tác tác phòng chống dịch và cả người dân.

Theo ông Mãi, ngoài nguyên nhân khách quan là chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường thì có một nguyên nhân chủ quan rất đáng lưu tâm, cần phải phân tích làm rõ. “Hiện nay, nhiều địa bàn, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, từ các cấp các ngành, lực lượng phòng chống dịch đến cả người dân. Chúng ta cần phải phân tích, nhìn nhận vấn đề trên. Đây không phải là quy trách nhiệm cho các cấp, các ngành, nhưng để xảy ra điều trên là rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh, làm tốt hơn thì tình hình dịch sẽ lây lan mạnh hơn, tình trạng sẽ xấu hơn và tồi tệ hơn nữa”, ông Mãi cảnh báo.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, ông Mãi đề nghị, các cấp, các ngành, các lực lượng phòng chống dịch và nhân dân thành phố phải ý thức, nhìn nhận vấn đề hết sức nghiêm trọng của dịch bệnh hiện nay để cùng hành động. Các ngành chức năng phải nhìn nhận thức tế để thấy được trách nhiệm của mình để cùng đồng lòng chung sức, hợp tác với nhau để triển khai triệt để hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

“Chúng tôi cũng biết rằng sau 55 ngày, lực lượng phòng chống dịch phải căng mình ra, bà con nhân dân cũng đã chịu đựng rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải cố gắng chịu đựng những khó khăn, bất tiện để đồng lòng, chung sức hợp tác cùng nhau để sớm kết thúc giai đoạn khó khăn này”, ông Mãi chia sẻ.

pho-i-thuthanh-uy-tphcm-neu-khong-lam-tot-hon-nua-doch-benh-se-toi-te-hinh-anh(1).png
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: P.V

Thành phố sẽ thắt chặt việc di chuyển

Đề cập đến việc TP.HCM đề ra 3 tình huống sau khi kết thúc 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, ông Mãi cho rằng, hiện nay thành phố đang ở tình huống thứ 2 là đã lỡ đi cơ hội để có tình huống thứ 1. “Giờ đây chúng ta phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường hơn. Đây là tình huống chúng ta không mong muốn nhưng đang phải đối diện”, ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, hiện thành phố vẫn còn còn tình trạng nhà này tiếp xúc với nhà kia, có giao lưu. Điều này phải triệt để thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, trong những ngày sắp tới thành phố sẽ tăng cường lực lượng, trong đó có lực lượng công an, quân đội cùng với lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở sẽ triển khai tuần tra, kiểm soát và đảm bảo từng địa bàn thực hiện nghiêm việc giãn cách. Ai ở đâu ở đó, nhà nào ở nhà đó, hạn chế tối thiểu việc ra đường và tiếp xúc.

“Người dân phải thực hiện triệt để việc cách ly ở nhà. Mọi người phải ở nhà không ra đường, trong trường hợp cần thiết thì phải cụ thể nhưng rất hạn chế; tuyệt đối không tiếp xúc, chỉ những trường hợp rất cụ thể và rất hạn chế.”, ông Mãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp, thắt chặt việc di chuyển. Trong ngày hôm nay, chậm nhất là ngày mai (26.7), UBND TP sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ra bên ngoài đường.

“Có thể thành phố sẽ giới hạn một số khung giờ cố định. Chẳng hạn sau 18 giờ, những đối tượng nào, dịch vụ nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp mà thành phố chúng ta nghiên cứu, triển khai trong thời gian sắp tới. Tôi mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương và người dân hiểu, chia sẻ và thực hiện triệt để”, ông Mãi nói.

 

Bài liên quan
TP.HCM: Khánh thành nhiều tên đường mang tên các lãnh đạo
Sáng 19.1, UBND TP.HCM tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết về việc đặt tên đường trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Dịch tăng, ngoài yếu tố biến chủng Delta còn do chủ quan lơ là