Việc tiêm thuốc an thần vào lợn (hay heo) hay vật nuôi trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật. Xét về pháp luật, pháp lý và đạo lý đều không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNN cho biết.

Phó Cục Chăn nuôi trả lời việc xử lý hơn 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần

02/10/2017, 06:37

Việc tiêm thuốc an thần vào lợn (hay heo) hay vật nuôi trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật. Xét về pháp luật, pháp lý và đạo lý đều không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNN cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh báo NNVN

Đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục C49 (Bộ Công an), Chi Cục Thú y TP.HCM đã bắt quả tang 2 nhân viên của Cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh đang bơm thuốc an thần vào heo để giết mổ trong đêm ngày 28.9

Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát hiện 5.231 con heo đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ; số heo chưa kịp tiêm là 587 con. Hiện đoàn công tác liên ngành đang tạm giữ tại chỗ 4.200 con heo để chờ kết quả kiểm định từ 144 mẫu nước tiểu, 3 mẫu thuốc ghi dung dịch thuốc an thần

Để làm rõ hơn vụ việc, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNN) về vấn đề này.

Việc cơ sở giết mổ Xuyên Á chỉ bị phạt hành chính sau khi vi phạm các quy định về an toàn giết mổ liệu có hợp lý không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo tôi, luật pháp đang quy định như vậy và chúng ta phải xử lý theo pháp luật. Có hai hình thức xử lý mà doanh nghiệp Xuyên Á phải tổn thất. Thứ nhất, phạt 30 triệu đồng. Thứ hai là không cho giết mổ. Như vậy cơ sở đó phải nuôi số heo bị tiêm thuốc thêm từ 7 - 10 ngày. Nuôi 5.000 con heo trong số thời gian đấy là chết rồi.

Phạt như vậy đã ảnh hưởng lớn về mặt thương hiệu. Phạt lớn hơn nữa là đình chỉ. Nếu họ tái vi phạm thì sẽ bị đình chỉ không cho hoạt động nữa. Tuy nhiên, hiện tại luật pháp chưa quy định những nội dung như vậy.

Với mức xử phạt mà tôi vừa nói ở bên trên thì tôi cho là rất nặng. Nặng thứ nhất là về kinh tế. Nặng thứ hai là về uy tín, phải rất lâu cơ sở này mới có thể lấy lại được. Tôi cho rằng đây là mức phạt không phải nhỏ.

Tất nhiên là chúng ta cũng phải kiến nghị sửa các luật về xử lý vi phạm hành chính, nâng mức phạt bằng tiền lên. Có thể không phải phạt theo hành vi vi phạm mà còn phạt theo quy mô vi phạm. Ví dụ 5.000 con heo nếu nhân lên sẽ bị phạt rất nhiều tiền. Trước mắt vừa rồi, chúng ta đã làm như vậy là cũng có tính cảnh tỉnh rất lớn. Tôi cho đó là hành động tích cực.

Số heo bị tiêm thuốc an thần

Người dân đang hết sức bất an về tình trạng tiêm thuốc an thần vào heo. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông đánh giá tình trạng này thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Việc tiêm thuốc an thần vào heo hay vật nuôi trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật, không ai ủng hộ điều này. Thứ nhất là nó ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai là vấn đề đối xử nhân đạo đối với vật nuôi. Cả về pháp luật, pháp lý và đạo lý đều không được chấp nhận. Thế nhưng tình trạng này bây giờ cũng chưa phải là phổ biến .

Tại sao số heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần không tiêu hủy ngay mà lại “chờ” cho đến khi hết tồn dư thì lại giết mổ?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Thực ra trong luật chưa có nội dung quy định tiêu hủy vì nó không phải là chất cấm, cũng không phải là chất độc hại. Đây là chất an thần thôi. Nhưng giữa chất không được phép sử dụng và chất cấm gây nguy hại đến sức khỏe con người thì phần này nó cũng chưa cấu thành đến mức độ như vậy.

Do đó, bước đầu xử lý vi phạm như vậy là quy trình xử lý vi phạm hành chính, phạt nặng nhất là bằng tiền. Sai phạm của cơ sở giết mổ Xuyên Á đã được công bố lên phương tiện thông tin đại chúng. Số heo đó bắt buộc phải nuôi lại khi nào âm tính mới cho giết mổ. Nuôi 5.000 con heo thịt thì trung bình một ngày hết bao nhiêu cám? Chưa kể 5 - 10 ngày sau, sản lượng thịt đã hao đi nhiều.

Theo ông, liệu có lỗ hổng pháp lý nào trong vấn đề này và giải pháp nào để ngăn chặn triệt để?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo tôi, chưa có lỗ hổng nào cả, bởi vì quy định pháp luật đã rõ ràng. Thế nhưng tổ chức thực hiện như thế nào mới là vấn đề. Chúng ta phải tích cực tuyên truyền hơn, sâu rộng hơn và đặc biệt là các biện pháp tổ chức thực hiện. Chuyện xử phạt là biện pháp cuối cùng. Phải tuyên truyền để người giết mổ nhận thức được vấn đề.

Thứ hai là ký cam kết giữa người giết mổ và người chăn nuôi gia súc gia cầm với chi cục chăn nuôi thú y ở các địa phương không sử dụng chất cấm, nếu vi phạm thì bị xử lý ở mức độ thế nào…

Đấy là những giải pháp bước đầu. Tuy nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều. Chúng ta nói lỗ hổng pháp lý là không phải. Nên tăng cường hơn trong công tác tổ chức thực hiện, triển khai pháp lý, các quy định pháp luật vào trong cuộc sống

Thưa ông, quy trình giám sát giết mổ hiện nay đang tồn tại vấn đề gì? Liệu có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của các cán bộ không?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Theo quy trình kiểm soát giết mổ, các cán bộ kiểm soát, nhất là cán bộ thú y phải giám sát từ chuồng trại đến kiểm dịch. Trong qúa trình vận chuyển hoặc lúc tập trung heo để giết mổ đều có thể xảy ra quá trình tiêm thuốc.

Thuốc an thần đã tiêm vào hơn 5.000 con heo trước khi mổ

Vì thế, chúng ta sẽ phải kiểm tra mẫu bằng cách lấy 1 mẫu thịt, 1 mẫu nội tạng từ các lò mổ. Nếu sản phẩm có tồn dư chất cấm thì ta sẽ truy xuất lại xem nó bắt nguồn từ khâu nào, sai phạm ở đâu ta xử lý ở khâu đó. Nhưng quan trọng nhất là tự giám sát.

Chúng ta phải biến quá trình quản lý của nhà nước để cho người chăn nuôi, thương lái và người giết mổ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về chuyện tự kiểm soát. Cái đó quan trọng hơn là việc tổ chức vây bắt họ.

Bây giờ, chúng ta đang làm như TP.HCM, đó là đeo vòng cho heo, tiến hành theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến thu mua, giết mổ và bán ra thị trường. Trong chuỗi liên kết đó, vai trò của những người tham gia vào quá trình này là phải tự kiểm soát lẫn nhau. Nhà nước chỉ phát hiện và kiểm tra, thanh tra, xử lý như vụ vi phạm vừa rồi.

Quan trọng nhất vẫn là yếu tố tự giác của những người kinh doanh. Nếu chúng ta làm được những điều này thì tôi tin là sẽ kiểm soát được vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Thuốc an thần gây bệnh tim, tụt huyết áp, trầm cảm...

“Qua xác minh ban đầu, trên các lọ thuốc an thần đều ghi cảnh báo sử dụng trước 24 giờ. Số thuốc này được nhập khẩu từ Bỉ”. Theo tư liệu của Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp, với heo còn tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, gây trầm cảm. Chính vì thế, hành vi bơm thuốc an thần vào heo đã bị nghiêm cấm và có mức xử phạt rất cao.

Khoản 10, Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm còn bị xử phạt bổ sung với hình thức đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng. “Đây là hành vi đáng lên án vì nó hủy hoại sức khỏe con người”.

(Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN-PTNT)

Trịnh Giang thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
12 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Cục Chăn nuôi trả lời việc xử lý hơn 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần