Việc Dự án LNG Quảng Ninh chính thức khởi động vào ngày 24.10 vừa qua, một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) trong lĩnh vực điện khí tại Việt Nam, hướng tới giai đoạn phát triển “xanh” và bền vững của doanh nghiệp này.
PV Power là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), là doanh nghiệp sản xuất điện hàng đầu trong nước với công suất đặt 4.205 MW, chiếm khoảng 6% công suất đặt toàn hệ thống.
Ngay từ ban đầu khi thành lập, PV Power đã hướng đến tập trung vào lĩnh vực điện khí, tận dụng nguồn khí do Petrovietnam khai thác và đưa vào bờ, ưu tiên sử dụng cho phát điện.
PV Power hiện là doanh nghiệp sản xuất điện sở hữu, quản lý nhiều nhà máy điện khí nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất điện trong nước với 4 nhà máy gồm: Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Cà Mau 1&2 với tổng công suất 2.700 MW. Trong năm 2020, tính riêng sản lượng điện khí đã đạt hơn 11,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện của toàn Tổng Công ty.
Nghị quyết 55/NQ-BCT về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG. Theo đó, mục tiêu cho tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu 8 tỷ m3 LNG/năm, từ con số 0 hiện nay. Ưu điểm lớn của điện khí LNG là vấn đề đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo hướng này, gia tăng tỷ lệ nhiệt điện khí LNG trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đã được triển khai. Điện khí LNG được kỳ vọng sẽ dẫn đầu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, đáp ứng một phần lớn công suất trong 130 GW điện theo nhu cầu dự kiến vào năm 2030.
Thực hiện Chiến lược phát triển đã được phê duyệt, PV Power tập trung phát triển nguồn điện khí sử dụng LNG. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững, PV Power đã và đang tích cực triển khai các công việc để khởi công xây dựng Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 - nhà máy điện sử dụng LNG đầu tiên ở Việt Nam. Đồng thời xúc tiến tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án điện sử dụng LNG.
Trong đó, Dự án LNG Quảng Ninh đã chính thức khởi động vào ngày 24.10 vừa qua. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc có công suất dự kiến là 1.500 MW do Liên danh PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni đầu tư. Khi hoàn thành, dự án sẽ đóng góp bình quân mỗi năm khoảng 9 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo bù đắp công suất cho hệ thống điện quốc gia trong những năm tới, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương.
Để đạt được các mục tiêu đó, PV Power sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các dự án điện khí sử dụng LNG. Đồng thời, tích cực tham gia đầu tư phát triển các dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo sự cân bằng các loại hình nguồn điện với mục tiêu đến năm 2035 tham gia góp vốn để đầu tư thêm 1.000 MW năng lượng điện tái tạo.
Với những lợi thế sẵn có cùng chiến lược phát triển đã đặt ra, PV Power tự tin có thể tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trong điện khí nói chung, điện LNG nói riêng và sẵn sàng phát triển “xanh” sang các lĩnh vực khác như điện gió, điện mặt trời…