Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ nêu rõ: Đây là vụ án liên quan tới công nghệ cao diễn ra với quy mô lớn… nên không có vùng cấm trong việc giải quyết vụ án. Trong giai đoạn 1, sai phạm ở đâu giải quyết đến đó, còn lại sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2.
Theo dự kiến, ngày 30.11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ liên quan đến 2 tướng Công an. Trước khi HĐXX tuyên án, trong phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX đặc biệt lưu ý một số vấn đề trong vụ án đặc thù này.
Theo VKS, trong vụ án này, các bị cáo phạm tội để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đã lôi kéo số lượng lớn tài khoản đánh bạc trực tuyến, quy mô xảy ra trên không gian mạng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế.
Về chính sách xử lý hình sự, VKS cho rằng phải đảm bảo nguyên tắc của pháp luật: Đối với người phạm tội, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, xử lý công minh, đúng pháp luật, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật; nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, chống đối… và khoan hồng đối với người tự thú.
Các bị cáo được dẫn giải tới phiên tòa - Ảnh: M.Hùng
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự
Trong vụ án này, theo VKS, khi xem xét về vai trò đồng phạm của các bị cáo cần phân định rõ vị trí, vai trò của từng bị cáo để cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
Song, việc phân định vai trò, vị trí trong đồng phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” không có ý nghĩa và không phải để áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 BLHS sửa đổi năm 2009 (phạm tội có tổ chức) bởi lẽ, Khoản 2 Điều 48 đã quy định rõ: những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Khi xem xét quyết định hình phạt, VKS cũng đề nghị HĐXX chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ ½ số tiền thu bất chính trở lên là tình tiết “Tự nguyện khắc phục hậu quả” để đảm bảo sự phân hóa tội phạm trong vụ án này.
Cụ thể, VKS dẫn chứng trường hợp của 2 bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Bị cáo Phan Sào Nam tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỉ đồng (trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có) phải khác bị cáo Nguyễn Văn Dương (nộp 240 tỉ đồng, chưa được 17% số tiền tổ chức đánh bạc mà có).
Vì vậy, khi đề nghị mức án cho tội danh “Tổ chức đánh bạc”, VKS đề nghị từ 3 – 4 năm tù đối với bị cáo Phan Sào Nam. Đối với Nguyễn Văn Dương, VKS đề nghị 8 – 9 năm tù.
Trong phần luận tội, VKS cũng đề nghị HĐXX đặc biệt lưu ý một số vấn đề trong vụ án đặc thù - Ảnh: M.Hùng
Hình phạt chính là phạt tiền… cần triệt để áp dụng
Đối với những bị cáo phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Tội “Mua bán trái phép hóa đơn, tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1) mà hình phạt chính có quy định hình phạt tiền, theo VKS, cần triệt để áp dụng.
Giải thích cho việc này, VKS phân tích: mục đích khi phạm tội của các bị cáo này là nhằm vào kinh tế và chính họ sử dụng phương tiện phạm tội là đồng tiền nên cần áp dụng hình phạt tiền để tước đi một phần giá trị vật chất. Qua đó, nhằm giáo dục cho họ biết rõ và chấm dứt việc sử dụng đồng tiền làm phương tiện phạm tội cũng như mục đích phạm tội.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có hành vi tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm.
Tội “Rửa tiền”, cần xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt
Khi xử lý đối với tội “Rửa tiền” trong vụ án này, VKS cho rằng cần xem xét một cách thấu đáo mối quan hệ giữa chủ thể tội phạm nguồn (trong vụ án này là tội Tổ chức đánh bạc) với chủ thể tội phạm rửa tiền đều được xử lý trong cùng một lần, trong cùng một vụ án, đều xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam nên tránh việc truy thu sung quỹ 2 lần.
Mặt khác, theo VKS, cần xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt đối với bị cáo phạm tội “Rửa tiền”; mặc dù BLHS đã quy định tội phạm này từ lâu nhưng trên thực tế, có rất ít trường hợp bị xử lý về tội này nên việc nhận thức của người phạm tội có phần hạn chế.
Ngoài ra, trong vụ án này, VKS cũng đề nghị: Đối với những bị cáo có nhiều hành vi có dấu hiệu phạm cùng một tội nhưng chưa làm rõ hết các hành vi này, trong khi bị cáo là người tự thú và có đề nghị xử lý luôn trách nhiệm tại vụ án này thì nên chấp nhận và ghi rõ trong bản án để tránh bất lợi cho bị cáo.
Lấy ví dụ về trường hợp của bị cáo Phan Sào Nam, VKS phân tích: Phan Sào Nam đã tự thú hành vi gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Singapore có dấu hiệu của tội “Rửa tiền”, đến nay chưa có kết quả trả lời chính thức của Singapore.
Tuy nhiên, bị cáo Nam có đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm ngay trong vụ án này thì nên chấp nhận và ghi rõ trong bản án về việc tự nguyện của bị cáo; và sẽ tịch thu sung công khoản tiền này khi có kết quả trả lời của Singapore mà đúng với lời tự thú của bị cáo và được khấu trừ vào phần bị cáo phải khắc phục hậu quả của tội “Tổ chức đánh bạc”.
Vụ án được xét xử ngay tại sân trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ - Ảnh: M.Hùng
Đối với những người liên quan trong vụ án này hoặc bị cáo có hành vi có dấu hiệu phạm tội khác nhưng chưa được làm rõ ở giai đoạn này thì tách ra, xử lý ở giai đoạn sau.
Vì vậy, VKS nêu rõ: Thời điểm các bị cáo phạm tội trước năm 2018 (thời điểm BLHS năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018) nên khi khởi tố, CQĐT và VKS đã áp dụng các quy định của BLHS năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, khi xét xử, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực nên cần áp dụng triệt để nguyên tắc có lợi cho người phạm tội quy định tại Điều 7. Cụ thể, tất cả những gì quy định có lợi cho bị cáo thì đều được áp dụng; những quy định bất lợi cho bị cáo, đều không được áp dụng.
Ảnh đồ họa: Zing
Nhã Thanh
Vụ án đánh bạc nghìn tỉ: VKS chỉ cách nhận biết game nào trên mạng là hợp pháp
Vụ án đánh bạc nghìn tỉ: Game bài RikVip đã được ‘nuôi dưỡng’ như thế nào?
Phan Sào Nam: Biến cố này là một sự may mắn
Bị cáo Phan Văn Vĩnh: Tôi đã đưa cả bầy ong vào tay áo