Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM với 481/487 đại biểu tán thành.

Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM

P.V | 24/06/2023, 15:40

Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM với 481/487 đại biểu tán thành.

Chiều 24.6, với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2023.

anh-man-hinh-2023-06-24-luc-15.35.04.png
Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM

Hàng loạt cơ chế, chính sách mới

Trước đó, trình bày tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết mới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này để "tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững".

Nghị quyết mới gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, nghị quyết mới cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.

Về đầu tư, TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.

Quốc hội cho phép TP.HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo. TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND TP xem xét, quyết định việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

TP.HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, nghị quyết vừa thông qua đã không cho phép TP.HCM được dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư công mới. Lý do, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Luật Ngân sách nhà nước, HĐND thành phố có thẩm quyền quyết việc dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương (gồm cả khoản chi đầu tư phát triển) mà không cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu quy định nội dung này tại nghị quyết sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau về luật ngân sách, đầu tư công giữa TP.HCM và 62 địa phương khác.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí toà án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.

TP.HCM cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tổ chức tài chính trong nước, và nguồn nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP.HCM được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Nghị quyết cũng đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về xây dựng - quy hoạch và đầu tư, Nghị quyết trao quyền cho TP.HCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất dược Nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng.

Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của UBND thành phố phải đảm bảo tỷ lệ bố trí nhà ở xã hội và chủ đầu tư cần làm dự án ở vị trí được quy hoạch hoán đổi, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai. Việc này nhằm đảm bảo tính pháp lý, người dân yên tâm sở hữu nhà.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM được lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc UBND thành phố. Sở này có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng phó chủ tịch UBND huyện và phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên. Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ phần tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý theo đúng Nghị quyết 27.

TP.HCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND…; quy định việc HĐND TP.HCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP.Thủ Đức.

Bài liên quan
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM