Ổ cứng bị phân mảnh sẽ khiến máy vi tính đọc dữ liệu chậm hay treo máy. Rừng bị phân mảnh có thể khiến Trái đất gặp rắc rối lớn.

Rừng bị phân mảnh nguy hiểm như ổ cứng bị phân mảnh

Anh Tú | 09/08/2023, 12:30

Ổ cứng bị phân mảnh sẽ khiến máy vi tính đọc dữ liệu chậm hay treo máy. Rừng bị phân mảnh có thể khiến Trái đất gặp rắc rối lớn.

Vào năm 2015, nghiên cứu về độ che phủ rừng toàn cầu đã tiết lộ một thực tế đáng lo ngại: 70% diện tích rừng còn lại của thế giới hiện nằm trong phạm vi 1km tính từ bìa rừng. Quá trình này, được gọi là sự phân mảnh, đang khiến những phần sâu nhất và tối nhất của các khu rừng trên thế giới bị thu hẹp lại.

Sự phân mảnh rừng là tin xấu đối với nhiều loài động vật và thực vật đang bên bờ tuyệt chủng. Nó cũng làm giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng - vốn là một phần quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc gần đây đã tiến hành một nghiên cứu lập bản đồ những thay đổi về sự phân mảnh rừng toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2020. Kết quả của họ cho thấy, những khu rừng đa dạng sinh học nhất trên hành tinh thường ở vùng nhiệt đới - tiếp tục bị phân mảnh ngày càng nhiều mà nguyên nhân chủ yếu do giải phóng mặt bằng cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, bức tranh lại khác biệt ở một số vùng phương bắc, ôn đới và cận nhiệt đới. Đặc biệt, các mảng rừng ở phía tây Canada, phía tây và viễn đông nước Nga, miền Trung và Nam Trung Quốc… dường như đang xích lại gần nhau.

Về lý thuyết, ít phân mảnh hơn sẽ mang lại lợi ích cho đa dạng sinh học trong rừng và tăng khả năng khử carbon. Nhưng kết quả cuối cùng phụ thuộc vào loại rừng đang mọc lại hoặc được trồng. Nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu rừng tái sinh có bao gồm các đồn điền độc canh để khai thác gỗ hoặc năng lượng sinh học, hay đó là sự tái sinh tự nhiên.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào năm 2022 đã làm sáng tỏ tình hình. Nó nhấn mạnh sự hiện diện của những diện tích lớn rừng trồng ở vùng ôn đới và phương Bắc, bên cạnh những khu rừng tái sinh tự nhiên có dấu hiệu của con người như khai thác gỗ. Những khu rừng này có đa dạng sinh học rất khác với rừng già tự nhiên và có vẻ lưu trữ carbon kém hiệu quả hơn.

Phương pháp đo rừng

Nghiên cứu mới chỉ phân loại rừng theo độ che phủ của cây – được định nghĩa là pixel có kích thước 30 x 30 mét trên ảnh vệ tinh, trong đó hơn 50% số pixel được bao phủ bởi những cây cao trên 5 mét. Đây là cách xác định rừng phổ biến nhưng có một hạn chế là không phân biệt được các loại rừng.

Ví dụ, ở vùng nhiệt đới, phân tích này sẽ coi rừng nhiệt đới nguyên vẹn và đồn điền cây cao su Hevea brasiliensis trưởng thành là như nhau. Nhưng trên thực tế, chúng có đa dạng sinh học, vai trò sinh thái và khả năng thu hồi và lưu trữ carbon khác nhau.

Ví dụ, các đồn điền cây cao su hỗ trợ các loài động thực vật ít hơn nhiều về cả số lượng và chủng loại so với rừng nhiệt đới tự nhiên. Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện ở khu vực sông Mê Kông ở Đông Nam Á cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, các đồn điền cao su độc canh chỉ dung dưỡng một nửa loài thực vật và động vật so với rừng tự nhiên trên diện tích tương ứng.

Việc nắm bắt các mô hình phát quang và trồng rừng theo chu kỳ trong một phân tích như vậy cũng rất khó khăn. Nhu cầu về gỗ và nhiên liệu sinh học đang tăng lên, dẫn đến sự tăng trưởng trong việc trồng cây gần đây.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chỉ là một phần của quá trình với chặt hạ nằm cuối chu kỳ. Vì vậy, đó không phải là một xu hướng lâu dài, ổn định. Khi các đồn điền này trưởng thành, rừng một lần nữa có thể bị chia cắt.

Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ nơi rừng đang bị xáo trộn – vì lợi ích của đa dạng sinh học và khí hậu.

Vì sao rừng mất đi hay xuất hiện?

Hiểu được lý do mất hoặc tăng diện tích rừng cũng là một thách thức. Nghiên cứu của Đại học Phúc Đán cho thấy cháy rừng có liên quan đến việc gia tăng sự phân mảnh rừng ở cả miền Nam Amazon và miền Trung Siberia. Nhưng nguyên nhân của những vụ cháy này có lẽ rất khác nhau và thường phức tạp.

Ở miền Trung Siberia, nhiệt độ cao bất thường đã dẫn đến cháy rừng trong những năm gần đây. Một số đám cháy này có thể bắt đầu ở các khu vực nông nghiệp, nhưng cũng có những đám cháy than bùn dưới lòng đất âm ỉ suốt mùa đông và cháy lại trên bề mặt trong thời kỳ hạn hán. Những vụ cháy này không liên quan đến việc con người phá rừng.

Mặt khác, lửa được sử dụng có chủ ý như một công cụ để giải phóng mặt bằng cho hoạt động nông nghiệp ở miền nam Amazon. Những đám cháy này cũng có thể trở nên mất kiểm soát trong điều kiện hạn hán.

Tăng diện tích rừng có thể là kết quả của những thay đổi trong  quản lý đất đai trên giấy tờ mà không nhất thiết rừng tự nhiên tái sinh trên thực tế. Chuyển từ canh tác truyền thống, du canh (một hình thức nông nghiệp nơi các mảnh đất được canh tác tạm thời trước khi bị bỏ hoang để phục hồi) sang trồng cây che phủ lâu dài, như đã thấy với cao su ở Đông Nam Á, sẽ cho thấy tình trạng manh mún giảm đi.

Chưa hết, nó cũng biểu thị sự suy giảm độ che phủ của rừng tự nhiên do các khu vực đó không còn được để tái sinh tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học và các hậu quả như lũ quét, sạt lở...

Những vùng rừng lớn rất quan trọng

Điều rõ ràng là các cảnh quan rừng lớn "nguyên vẹn" cần được bảo vệ. Rừng tự tạo ra các vi khí hậu với độ sâu của bóng râm, độ ẩm và các loại đất cụ thể. Những vi khí hậu này bị thay đổi đáng kể ở bìa rừng.

Trong những khu rừng nguyên vẹn, động vật có thể di chuyển trên một khoảng cách lớn mà không phải rời khỏi môi trường sống quen thuộc của chúng. Tương tự như vậy, thực vật, côn trùng và động vật lưỡng cư vốn sống dựa vào các vi khí hậu cụ thể của rừng, có thể tìm thấy các lãnh địa mới để phát triển trong hệ sinh thái rừng.

Nhiều loài động vật và thực vật chỉ có thể phát triển mạnh trong những khu rừng sâu. Ví dụ, loài ếch tổ bong bóng Mendolong sống ở một ngọn núi duy nhất ở đảo Borneo và chưa bao giờ được phát hiện ở một khu rừng bị xáo trộn. Giữ cho các khu rừng nhiệt đới nguyên vẹn và không bị chia cắt là điều rất quan trọng đối với các loài như thế này.

Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ nơi rừng đang bị xáo trộn – vì lợi ích của đa dạng sinh học và khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng bị phân mảnh nguy hiểm như ổ cứng bị phân mảnh