Chú thích giải nghĩa cụm từ "mua ngọc đến Lam Kiều" ở SGK lớp 9 là: "Lam Kiều là tên một cây cầu ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Huyện Lam Điền là nơi sản xuất ngọc quý. Câu này ý nói: "đến đây cốt để mua được người đẹp". Nhưng cách giải nghĩa này rất sai so với cách dùng điển tích của Nguyễn Du.

Sách giáo khoa giải thích sai điển tích trong truyện Kiều

30/04/2019, 06:55

Chú thích giải nghĩa cụm từ "mua ngọc đến Lam Kiều" ở SGK lớp 9 là: "Lam Kiều là tên một cây cầu ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Huyện Lam Điền là nơi sản xuất ngọc quý. Câu này ý nói: "đến đây cốt để mua được người đẹp". Nhưng cách giải nghĩa này rất sai so với cách dùng điển tích của Nguyễn Du.

Truyện Kiều lấy bối cảnh năm Gia Tĩnh triều Minh để phản ánh thực trạng xã hội thời phong kiến

Hơn 20 năm trước, khi học lớp 9 được các thầy cô dẫn từ sách giáo khoa giảng vậy thì tôi cũng tin là như vậy. Nhưng sau này, khi có nhiều thời gian tiếp xúc với sách ngoài nhà trường thì quả thực tôi không tin vào cách giải thích ấy nữa.

Sách giáo khoa giải nghĩa "mua ngọc đến Lam Kiều" ở mục (8)

Cách giải thích trong sách giáo khoa có vẻ giống như cách giải thích trong cuốn Truyện Kiều chú giải của nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe. Trong cuốn đó, ông Hòe đã giải nghĩa khá dài về cụm từ "mua ngọc đến Lam Kiều" ở trang 140 và 141 như sau:

"Mua ngọc đến Lam Kiều: mua ngọc, đến tận Lam Kiều mua (không phải mua ngọc để đem đến Lam Kiều), ý nói đến tận nơi mỹ nhân để hỏi lấy mỹ nhân, chớ không lờ mờ vẽ bò, mua bóng. Chữ mua ở miệng Mã giám sinh nói trắng ra nghe trơ tráo và bất nhã làm sao?

Lam Kiều ở đây dùng theo nghĩa nơi sản xuất ra ngọc. Vì trên nói "mua ngọc" và nói theo "Lam kiều" theo nghĩa ấy là nói sai. Lẽ ra phải nói là Lam Điền mới đúng. Lam Điền là một trái núi ở về phía đông huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây. Núi này có sản một thứ ngọc, rất đẹp nên cũng có tên gọi là Ngọc sơn.

Lam Kiều thì ở phía đông nam huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây, tương truyền có động thần tiên (thần tiên quái), Bùi Hàng thời Đường gặp tiên nữ Vân Anh ở Lam Kiều.

Lam Điền và Lam Kiều là hai nơi khác nhau, nhưng cùng là những địa điểm trong huyện Lam Điền. Có lẽ do nhu cầu của gieo vần thơ, nên tác giả đã phải dùng lầm chữ Lam Kiều, đáng lẽ phải viết Lam Điền"

Có thể thấy nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe đã làm rõ được sự khác của Lam Kiều và Lam Điền nhưng đáng tiếc là khi ông gần đi đến bản chất của điển tích Lam Kiều thì ông không đào sâu tiếp mà lại lùi về theo hướng Lam Điền là xứ ngọc nên cách lý giải đã đi sai hướng hoàn toàn, thậm chí còn cho rằng Nguyễn Du dùng lầm chữ vì "bí cách gieo vần".

Đại thi hào Nguyễn Du là người không chỉ giỏi gieo vần mà còn có kiến thức uyên thâm. Về xứ ngọc Lam Điền thì Nguyễn Du đâu phải không biết mà ngay chính trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết về Lam Điền khi tả cảnh Kiều đánh đàn khi đoàn tụ với Kim Trọng:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

(Câu 3.199 đến 3.204)

Chắc chắn Nguyễn Du biết rõ về ngọc Lam Điền nên không thể có chuyện ông lại viết nhầm từ Lam Điền sang Lam Kiều trong câu: "Rằng mua ngọc đến Lam Kiều" được. Vậy phải hiểu câu này sao cho đúng? Chúng ta hãy đào sâu vào điển tích về Lam Kiều để tìm hiểu cách dùng từ, gieo vần của Nguyễn Du.

Lam Kiều thực ra có trong điển tích để ám chỉ nơi có mỹ nhân chờ nạp sính để kết duyên. Điển tích này có ghi ở Truyền kỳ dẫn trong Thái Bình Quảng Ký như sau:

Đời Đường, Bùi Hàng đến miền Ngọc Chữ thăm người bạn cũ họ Thôi, khi trở về Bùi Hàng đáp thuyền đi Tương Hán, nào ngờ cùng đi chung thuyền với nàng Vân Kiều, người đẹp vào hàng quốc sắc. Bùi được nàng trao tặng bài thơ:

Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh.

Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều tiện thị thần tiên quận.

Hà tất kỳ khu thương ngọc kinh.

(Phan Như Xuyên dịch:

"Uống rượu quỳnh tương trăm cảnh sinh

Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh

Lam Kiều vốn thực nơi tiên ở

Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh").

Bùi xem thơ, còn chưa hiểu hết ý ra làm sao. Về sau, đến đất Lam Kiều nhân thấy cạnh đường có ngôi nhà lá, trong nhà có một bà lão bện dây gai. Bùi bèn ghé vào xin nước uống, bà lão gọi Vân Anh đem nước ra mời, Bùi liền sực nhớ lại câu thơ Vân Kiều tặng, trong bụng lấy làm nghi. Uống xong, Bùi thấy bâng khuâng, cảm sắc đẹp của Vân Anh đi không dứt, bèn thác bệnh xin trọ lại, bà lão bằng lòng.

Tối đến, Bùi Hàng đem chuyện Vân Anh ra hỏi bà lão và ngỏ ý muốn đem hậu lễ đến đón nàng về làm vợ. Bà lão bảo: "Ta nay đã già, mọi việc chỉ nhờ cậy một mình Vân Anh là cháu gái. Trước đây thần tiên có cho ta một thìa linh dược cần có chày cối ngọc để giã mới dùng được. Bao giờ nhà ngươi có đủ các thứ đó mang lại thì ta sẽ gả cho. Còn vàng bạc gấm, vóc ta không cần đến".

Bùi bái tạ ra về, quyết tâm mua cho bằng được chày cối ngọc và khi mua được bèn mang đến Lam Kiều thì cưới được Vân Anh làm vợ.

Qua đó, có thể thấy câu: "Rằng mua ngọc đến Lam Kiều" (câu 643) không phải là "đến Lam Kiều để mua ngọc" với ngọc để ám chỉ Thúy Kiều như cách của nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe hay SGK lớp 9 giải nghĩa mà phải hiểu là "Mã giám sinh khoe mang đủ sính vật đến để dạm hỏi mỹ nhân". Cách hiểu như thế vừa đúng với tinh thần điển tích "Lam Kiều ngộ", vừa khéo với câu sau là "Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường" (câu 644).

Cũng cần nhắc thêm rằng Nguyễn Du rất hiểu về điển tích Lam Kiều nên ông từng nhắc đến điển tích này 2 lần khi Kiều và Kim Trọng lần đầu gặp nhau. Lần 1, đoạn diễn tả Kim Trọng mong nhớ Kiều, đi tìm chỗ ở của Kiều, có câu:

"Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

Gió chiều như giục cơn sầu

Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu

Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều

Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang".

(câu 259 đến 266)

Và lần 2 là khi Kiều sang tiếp xúc với Kim Trọng, có câu:

"Sinh rằng: Gió mát trăng trong

Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam

Chày sương chưa nện cầu Lam

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng".

(Câu 455 đến 458)

Cả hai lần Lam Kiều được nhắc trước đều ám chỉ chuyện trai gái hẹn hò, tính chuyện kết duyên, thậm chí Nguyễn Du còn nhắc luôn đến "chày" đi cùng với cầu Lam (Lam Kiều) ở câu 457 đã cho thấy tác giả biết rõ chuyện chày ngọc trong điển tích Lam Kiều.

Chúng ta có thể tin với một người tài hoa như Nguyễn Du thì ông thuộc lòng các điển tích văn chương, văn hóa nên mới dùng câu: Rằng mua ngọc đến Lam Kiều. Lớp hậu thế nếu không tìm tòi nghiền ngẫm từng câu thì không hẳn ai cũng hiểu hết từng lớp từ, lớp ý trong mỗi câu thơ từ Kiều.

Anh Tú

Đoạn trích "Mã giám sinh mua Kiều" trong SGK lớp 9 tập 1 từ câu 623 đến 648 như sau:

Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.

Hỏi tên, rằng Mã Giám sinh.

Hỏi quê, rằng huyện Lâm Thanh cũng gần.

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,

Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!

Ngại ngùng dín gió e sương,

Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.

Mối càng vén tóc bắt tay,

Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.

Đắn đo cân sắc cân tài,

Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.

Mặn nồng một vẻ một ưa,

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.

Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều,

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?

Mối rằng: đáng giá nghìn vàng,

Nếp nhà nhờ lượng người thương dám nài.

Cò kè bớt một thêm hai,

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
40 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách giáo khoa giải thích sai điển tích trong truyện Kiều