Miền Tây với những dòng sông hiền hòa, giờ đau đáu với nỗi lo sạt lở. Sạt lở cứ ngày càng nhiều, ngay cả ở những con kênh nhỏ chứ không cần sông lớn… Vì sao?

Sạt lở bờ sông, đừng đổ hết cho thiên nhiên

29/06/2020, 15:53

Miền Tây với những dòng sông hiền hòa, giờ đau đáu với nỗi lo sạt lở. Sạt lở cứ ngày càng nhiều, ngay cả ở những con kênh nhỏ chứ không cần sông lớn… Vì sao?

Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng diễn ra dữ dội - Ảnh: Thanh Nguyên

Rạng sáng 26.6, có 5 căn nhà ven sông cách cầu Cái Răng khoảng 500 mét (xéo với chợ nổi Cái Răng) thuộc P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đã sụp hoàn toàn xuống sông, sau khi sạt gian nhà sau vào 3 ngày trước. May mắn là trước khi xảy ra sạt lở, các hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn nên không xảy ra thiệt hại về người. Và sáng nay - 29.6, thêm vài mét đường đã sụp tiếp, ảnh hưởng đến các hộ dân sống đối diện…

Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, từ đầu năm 2020 đến nay, Cần Thơ xảy ra 22 điểm sạt lở, sụp hoàn toàn 5 căn nhà, 68 căn sụp một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài sạt lở 1.230 mét, gây thiệt hại hơn 14 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ sạt lở, quy mô sạt lở và mức độ thiệt hại lớn hơn. Ở Q.Bình Thủy, mới vài tuần trước, sạt lở xảy ra ngay mố cầu Rạch Cam, khiến giao thông bị chia cắt, người dân phải đi đò…

Sáng 29.6, sạt lở ở P.An Bình sâu thêm vài mét, khiến các hộ dân trên bờ phải di dời - Ảnh: Hồ Hùng

Ở An Giang, một đoạn quốc lộ 91 mấy năm nay liên tục sạt lở, khiến chính quyền phải cho mở con đường mới chạy vòng phía sau. Chỉ trong vòng 1 năm nay, đã xảy ra 4 vụ sạt lở trên tuyến quốc lộ 91, thuộc địa phận xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Còn tại Đồng Tháp, mới đây Sở NN-PTNT đã kiến nghị đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có đề xuất cho Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 902,6 tỉ đồng cho tỉnh để triển khai thực hiện các dự án, chương trình cấp bách về phòng chống thiên tai, bởi tỉnh vừa cho di dời khẩn cấp hơn 170 hộ dân sống ven sông Tiền, để đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở.

Chính con người góp phần gây nên sạt lở - Ảnh: Hồ Hùng

Nhưng sông lớn đã chẳng nói, đàng này sạt lở còn xảy ra ở những con kênh, rạch nhỏ. Tình trạng sạt lở trong khu vực nội đồng cũng xảy ra tại 6 xã, phường, thị trấn của 3 huyện tại Đồng Tháp với tổng chiều dài 213 mét, diện tích khoảng 1.066 m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân, ước tính thiệt hại gần 1 tỉ đồng… Ở tỉnh Hậu Giang, nhiều con kênh ở huyện Châu Thành cũng liên tục bị sạt lở, nhiều đoạn đường giao thông nông thôn trôi tuột xuống sông…

Theo các chuyên gia, sạt lở diễn biến phức tạp nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu. Đây là điều đã được tiên liệu từ nhiều năm qua. Như khi mùa khô hạn gay gắt mới vừa qua, nhiều con đường huyện lộ ở Cà Mau cũng bị sụt lún hơn cả mét, do tầng địa chất bên dưới thay đổi. Ngoài ra do dòng chảy thu hẹp, dưới lòng sông có nhiều hố xoáy… cũng là nguyên nhân.

Nhưng cũng đừng đổ hết cho thiên nhiên biến đổi, bởi nguyên nhân lớn còn do chính con người chúng ta. Vì sao dòng chảy thu hẹp hoặc thay đổi? Còn do khai thác cát! Chính việc cho phép hoặc không quản lý, để việc khai thác cát vô tội vạ, ngoạm sâu vào lòng sông - trên sông Tiền, sông Hậu… đã khiến sạt lở bờ sông tăng cao, do dòng chảy thay đổi. Bất kể ngày hay đêm, đi dọc theo 2 con sông lớn nhất miền Tây này đều dễ dàng bắt gặp các sà lan đang tha hồ nạo vét cát.

Tàu du lịch qua lại chợ nổi Cái Răng liên tục, cũng là nguyên nhân gây sạt lở - Ảnh: Hồ Hùng

Những năm qua, nhiều tỉnh thành ở miền Tây đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Và theo đó, hàng hà sa số các con kênh, rạch nhỏ bị san lấp để biến thành nền nhà. Thêm vào đó là hàng loạt vùng đê bao khép kín để trồng lúa, ngăn nước từ các con sông lớn nhỏ chảy vào đồng. Nước từ thượng nguồn đổ về, theo 2 con sông Tiền, sông Hậu xuôi xuống, nhưng các nhánh sông - rạch “xương cá” dọc ngang mất dần, nước không có đường chảy ngang cho bớt lưu lượng, nên buộc phải dồn về 2 nhánh chính này và một số nhánh sông còn sót lại, mà nước còn vào được.

Điều này dẫn đến tốc độ dòng chảy sẽ tăng rất mạnh, và sinh ra xoáy lở dữ dội, tạo thành những hố xoáy dưới lòng sông rất nguy hiểm. Chúng ta cứ làm phép thử đơn giản: trên mặt bằng có độ dốc vừa phải, chúng ta xẻ 1 rãnh nhỏ. Cạnh đó, chúng ta cũng xẻ 1 rãnh tương tự, nhưng có nhiều rãnh ngang xéo như xương cá. Nếu cùng lúc đổ 1 ly nước vào 2 rãnh này, thì nước bên chiếc rãnh đơn độc sẽ chạm đích rất nhanh, tất nhiên tốc độ phải rất nhanh. Còn ở rãnh có những nhánh “xương cá”, nước sẽ tỏa ngang đi bớt, và về đích chậm hơn - tất nhiên tốc độ chảy sẽ chậm hơn.

Thời trước, nước cứ vô tư từ sông Hậu, sông Tiền, theo vào các con rạch lớn nhỏ, rồi tràn đồng, nên lượng nước phân tán rất nhiều, và tốc độ chảy trên các nhánh chính sẽ không cao. Còn giờ, sông rạch bị ngăn, chặn, lấp dần, nhiều cánh đồng thì đê bao ngăn nước tràn vào… Điều dễ hiểu là dòng chảy chính sẽ tăng tốc độ, kéo theo xoáy lở, dù mấy năm nay nước từ thượng nguồn về không nhiều do các đập thủy điện giữ nước.

Bến tàu khách du lịch lên xuống liên tục, sát khu vực sạt lở ở P.An Bình, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ - Ảnh: Hồ Hùng

Còn như trường hợp sạt lở 5 căn nhà ở P.An Bình mới đây, còn có nguyên nhân do khai thác du lịch! Bởi khu vực này đối diện với chợ nổi Cái Răng, lượng tàu bè qua lại và khách tham quan bằng tàu thuyền rất lớn. Trong khi đó, chính quyền đã đẩy mạnh khai thác du lịch tại khu vực này từ lâu, nhưng chuyện làm bờ kè thì triển khai rất chậm.

Chính những cơn sóng mạnh liên tục từ những chiếc thuyền du lịch, đập vào bờ sông hàng ngày, hàng giờ, đã khiến sạt lở gia tăng. Mới 3 tháng trước, cách đó vài trăm mét - cũng ngang khu chợ nổi Cái Răng, 5 căn nhà cũng đã “lọt” xuống sông!

Thời xa xưa, những người già có đúc kết rằng: “Sông sâu bên lở bên bồi”. Tức theo quy luật tự nhiên, bất cứ dòng sông nào, hễ có một bên lở thì đương nhiên bên còn lại sẽ bồi. Và họ sẽ định cư, cất nhà, trồng trọt nhiều ở bên bờ bồi. Nhưng giờ, quy luật ấy đã sai! Những con sông, giờ bên nào cũng lở…

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở bờ sông, đừng đổ hết cho thiên nhiên