Tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch từ cách đây 10 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa giải quyết xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau 10 năm ‘chật vật’, tuyến metro số 2 vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng

05/03/2020, 07:09

Tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch từ cách đây 10 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa giải quyết xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuyến metro số 2 đi qua 6 quận - Ảnh: T.L

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến metro Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 11.2019 và duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính vào tháng 12.2019. Hiện nay, dự án đang tập trung triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng còn nhiều khó khăn.

Tuyến metro số 2 có tổng chiều dài 11.042 km đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 602 hộ (ảnh hưởng toàn phần là 121 hộ), tương đương diện tích đất 251.136m2. Trong đó, quận Tân Bình có số lượng hộ bị ảnh hưởng bởi dự án nhiều nhất (356 hộ), tiếp đó là quận 3 (113 hộ). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 111 hộ nhận tiền đền bù nhưng chỉ có 55 hộ đã bàn giao mặt bằng.

Dự kiến trong quý 1/2020, TP.HCM sẽ phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở cho các quận, huyện ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án. Trên cơ sở đó, các quận có dự án đi qua cam kết sẽ hoàn tất cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 30.6. Đến tháng 6, những trường hợp không đồng thuận và không chấp hành bàn giao mặt bằng sẽ buộc phải áp dụng cưỡng chế thu hồi đất.

Không chỉ khâu giải phóng mặt bằng, khâu di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2 cũng đang gặp nhiều khó khăn. MAUR cho biết việc di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công tuyến metro số 2 sẽ có khoảng 28 đơn vị bị ảnh hưởng như cấp nước, cây xanh, ánh sáng... Do vậy, đơn vị này đang làm việc với từng đơn vị, chủ sở hữu quản lý hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nội dung chi tiết kế hoạch thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2 theo hình thức bồi thường hiện trạng bằng giá xây dựng mới.

Cũng liên quan đến dự án này, UBND TP.HCM mới có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, có ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 đến năm 2026.

Theo quyết định ban đầu, dự án này thực hiện trong giai đoạn 2014-2019 nhưng do tiến độ dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) bị điều chỉnh nên dự án này phải điều chỉnh theo cho phù hợp. Đồng thời, TP.HCM cũng kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 từ 1.353 tỉ đồng lên 1.489 tỉ đồng do các yếu tố liên quan đến trượt giá, tỷ giá thay đổi và quy định về quản lý chi phí đầu tư.

Tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch từ cách đây 10 năm, dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2018, giai đoạn đáng ra phải lăn bánh thì UBND TP.HCM lại trình văn bản xin gia hạn thời gian thi công dự án đến năm 2020.

Sau đó, do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM lại buộc phải tiếp tục điều chỉnh mốc thời gian về đích của dự án đến năm 2026 cho phù hợp với thực tế.

Tuyến metro số 2 với tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2010 là 26.000 tỉ đồng. Thế nhưng vào thời điểm cuối năm 2018, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến tăng đến gần 48.000 tỉ đồng. Nguyên nhân bị đội vốn là do trong quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 10 năm ‘chật vật’, tuyến metro số 2 vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng