Ukiyo-e, tức tranh in bản gỗ, là “dấu son” nổi bật trong lịch sử mỹ thuật Nhật Bản. Không chỉ thịnh hành như một trường phái hội họa độc đáo, ukiyo-e còn tạo tiền đề quan trọng cho rất nhiều trào lưu nghệ thuật đương đại. Tính lôi cuốn đến “mê hoặc” của thể loại tranh truyền thống này, tuy nhiên, vượt xa những hình ảnh phong cảnh hay lễ hội vui tươi. Ở ukiyo-e, chủ đề tình dục, đồng tính, thậm chí kinh dị, nhận được sự chú ý đặc biệt.
Shunga - tranh ảnh “phòng the”
Shunga (xuất phát từ từ gốc Hán “xuân họa” - tranh vẽ về mùa xuân) là phong cách ukiyo-e phát triển mạnh vào khoảng thế kỉ 17-19. Shunga tập trung mô tả cảnh ân ái chốn lầu xanh, chân dung những nàng kỹ nữ với dáng điệu gợi cảm, quyến rũ, cùng nhiều hoạt động “người lớn” khác nơi phố đèn đỏ.
Có quá trình tạo dựng suốt 300 năm, đến nay, Shunga đã trở thành dạng tranh ukiyo-e nổi tiếng, rất được yêu thích. Dù mang nét cổ xúy tính dục, xã hội Nhật thời bấy giờ không phân loại tranh in như văn hóa phẩm khiêu dâm. Thực tế, chế độ Tokugawa, giai đoạn Shunga trở nên “cực thịnh,” không cấm đoán việc thể hiện đề tài tình dục trên tranh ảnh.
Nghệ sĩ nổi bật, từng tạo dấu ấn lớn nhờ Shunga, không thể không nhắc đến Katsushika Hokusai (1760-1849). Bức “Người phụ nữ và đôi bạch tuộc” (ảnh trên) của ông, xuất hiện lần đầu như tranh minh họa cho một tựa sách xuất bản năm 1814, đã trở thành ví dụ điển hình nhất của phong cách Shunga truyền thống.
Wakashu - những “mỹ nam” lưỡng tính
Bức vẽ trên thực hiện bởi họa sĩ nổi tiếng thời Edo, Suzuki Harunobu, tái hiện một ngày thường nhật trong khu phố đèn đỏ, thủ đô nước Nhật thế kỉ 18. Bạn sẽ muốn tập trung vào nhân vật mặc kimono sọc, cầm quạt, ngồi phía trái khung tranh. Người này mang gương mặt thanh tú, bề ngoài hệt như phụ nữ, nhưng thật ra lại là nam giới. Tên gọi cho họ là “wakashu,” nhân vật lưỡng tính đầu tiên tìm thấy trong tranh ukiyo-e.
Wakashu là khái niệm bắt nguồn từ các sử gia Nhật, dùng để ám chỉ một “mỹ nam,” hay người đàn ông có dáng vấp hấp dẫn cả hai giới. Vào thời Edo thịnh vượng, họ làm công việc mua vui - đàn hát trong kỹ viện. Hoặc, wakashu còn được hiểu như nhóm diễn viên được đào tạo đặc biệt, chuyên đóng vai nữ trên sân khấu ca kịch truyền thống.
Đối với ukiyo-e, hình tượng wakashu hiện diện không nhiều, nhưng luôn rất lôi cuốn và độc đáo. Tương tự Shunga, bằng cách phát họa wakashu, họa sĩ ukiyo-e đã tạo nên dấu ấn chưa từng có xoay quanh chủ đề nhạy cảm như tình dục và đồng tính. Nhìn ngắm những “mỹ nam” này trên tranh màu, người xem dễ dàng bị thu hút bởi nét duyên dáng, thần thái sống động của họ. Như nhiều nhà giám tuyển và chuyên gia sưu tầm tranh ukiyo-e nhận xét, vẻ đẹp riêng ở wakashu đã “thách thức ranh giới giới tính” trong lịch sử mỹ thuật Nhật Bản.
Thế giới rùng rợn của ukiyo-e
Nhật Bản với nền hội họa lâu đời, không thiếu cảm hứng cho tranh vẽ kinh dị. Yếu tố ma quỷ, linh hồn cho đến cái chết được người nghệ sĩ “tái sinh” trên mặt giấy thông qua truyện cổ, giai thoại lẫn sự kiện kinh hoàng có thật.
Nổi tiếng hàng đầu thuộc thể loại ukiyo-e là dạng tranh in minh họa cho “kusazoshi,” một phong cách truyện dân gian phổ biến từ những năm 1700, thời Edo. Kusazoshi được hiểu như tiền thân của truyện tranh kinh dị ngày nay. Chúng khai thác nhiều khía cạnh “lạnh gáy” tiềm ẩn nơi đời sống thường ngày lẫn thần thoại Nhật Bản. Tranh ukiyo-e với nét cọ uyển chuyển, “truyền thần,” càng khiến câu chuyện kể thêm phần đặc sắc đến rợn người.
Không ít “huyền thoại” ukiyo-e như họa sĩ thiên tài Hokushai, Toyokuni I, Utagawa Kunisada đều có niềm đam mê lớn dành cho chủ đề kinh dị. Bên cạnh mục tiêu gây sợ hãi hay thể hiện bài học răn đe đạo đức, đôi khi một số nhân vật yêu quái hoặc hồn ma trong tranh vẽ còn nhằm gây cười cho độc giả kusazoshi.
Như Ý (theo JapanTimes)