Trước ý kiến cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu, cần phải xóa bỏ, chiều 3.10, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM khẳng định Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường nhằm giáo dục toàn diện học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quyên góp trên tinh thần tự nguyện
Hàng năm, cứ đến đầu năm học là nhiều phụ huynh học sinh bức xúc về tình trạng các trường kêu gọi tài trợ, vận động phụ huynh ủng hộ và đóng góp nhiều khoản tiền bất hợp lý. Trong năm học 2024 - 2025 này, tình trạng lạm thu, kêu gọi hỗ trợ, tài trợ bất hợp lý bị phụ huynh khiếu nại, phản ánh đã xảy ra tại Trường tiểu học Chương Dương (quận 1), Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7)... Dư luận cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu trên xuất phát từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại các trường hiện nay. Do đó, muốn xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trên cần phải xóa bỏ các ban đại diện này.
Về vấn đề này, Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ GD-ĐT về Ban hành Điều lệ cha mẹ học sinh có quy định về nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại Điều 4 Chương II.
Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh bỏ học tiếp tục học tập trở lại; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Tại Điều 10 chương II của Thông tư về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định rõ nguồn kinh phí hoạt động, và việc quản lý và sử dụng của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều lệ thể hiện rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học, hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Do đó, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh. “Các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ GD-ĐT để mỗi cha mẹ học sinh đều hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh một cách tích cực và hiệu quả nhất”, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM nói.
Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học phải có sự đồng ý giáo viên
Đối với việc cấm học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong trường học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết học sinh chỉ được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học khi được sự đồng ý, hoặc có yêu cầu của giáo viên. Việc sử dụng ĐTDĐ phục vụ cho mục đích học tập, dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đều thực hiện đúng các quy định của Bộ GD-ĐT. Việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học được một số trường thể hiện rõ trong nội quy, quy định của trường.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tại Khoản 4, điều 37, chương 5 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ GD-ĐT quy định: “Học sinh không được sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
“Khi học sinh tùy tiện sử dụng ĐTDĐ trong giờ học sẽ khiến trẻ mất tập trung trong việc tiếp thu bài giảng. Tuy nhiên, nếu khai thác tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực ĐTDĐ sẽ là một công cụ hữu ích phục vụ cho mục đích nghiên cứu học tập của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số”, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM giải thích.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có ĐTDĐ) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học, Sở GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục.
Theo đó, không bắt buộc học sinh phải trang bị ĐTDĐ để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng, bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học, và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.