Sáng 10.2, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình hạn, mặn ở tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng: Cần 1.368 tỉ đồng cho các công trình chống hạn mặn

10/02/2020, 14:45

Sáng 10.2, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình hạn, mặn ở tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát cống ngăn mặn - Ảnh: Vũ Phong

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh này năm nay đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm (cả về nồng độ và chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng). Hiện tại, độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề là 21gr/lít (l); Long Phú 16,9gr/l; Đại Ngãi 11,3gr/l; An Lạc Tây 7gr/l (so với năm 2016 độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3gr/l; An Lạc Tây tăng 2,2gr/l); xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55km (so với năm 2016 tăng 10-15km).

Bắt đầu từ giữa cuối tháng 11.2019 đến ngày 5.2.2020, vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhật đã gặp khó khăn trong việc lấy nước ngọt bổ sung do độ mặn tại Đại Ngãi thường xuyên vượt 2,0gr/l. Vùng dự án Kế Sách, tại An Lạc Tây vào những ngày triều cường, độ mặn cũng vượt mức 2gr/l; nước trong các kênh bị cạn, vận chuyển lúa rất khó khăn, giá thành tăng.

Về trồng trọt, rút kinh nghiệm bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng, khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ 3 những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn. Vụ đông xuân xuống giống sớm hơn đảm bảo thu hoạch trước Tết Nguyên đán để tránh bị mặn. Tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, giống lúa chịu mặn… làm 2 vụ chắc ăn.

Tính đến ngày 6.2.2020, tỉnh đã xuống giống vụ lúa được 197.068ha/kế hoạch 330.000ha, thu hoạch 80.917ha, năng suất bình quân 6,27 tấn/ha; sản lượng lúa đạt 507.757 tấn. Do tỉnh có chủ động ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống không bị thiệt hại. Số lượng 1.000ha bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn là do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 (vụ xuân hè) không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và địa phương.

Riêng rau màu, cây ăn trái đến nay chưa có thiệt hại. Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu tình hình hạn mặn kéo dài thì diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng thêm khoảng 600ha của vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhật; cây ăn trái khoảng 4.000ha, rau màu khoảng 1.000ha do thiếu nước ngọt.

Về nuôi trồng thủy sản, do tình hình mặn lên cao nên các hộ nuôi tôm rất thận trọng, tập trung cải tạo ao, diện tích nuôi thả hiện là là 373ha/kế hoạch 73.700ha. Về nước sinh hoạt nông thôn, còn 24.394 hộ bị ảnh hưởng hạn mặn cần tiếp tục giải quyết nước sinh hoạt trong thời gian tới. Tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp chỉ đạo mở rộng mạng cung cấp nước, khoan thêm giếng dự phòng để phục vụ cho các hộ bị ảnh hưởng.

Về giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, Sóc Trăng đã triển khai xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp như theo dõi, khuyến cáo người dân tích cực trữ nước ngọt trong các kênh, ao; kiểm tra độ mặn khi lấy nước vào đồng ruộng. Sử dụng màng phủ để giữ ẩm, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng để tránh nước xâm nhập.

Sửa chữa các công trình ngăn mặn, vận hành điều tiết phù hợp các công, gia cố bờ bao, làm tốt công tác nước sạch nông thôn. Tỉnh đã phê duyệt đề án cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn cho các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2023 với tổng kinh phí 176 tỉ đồng.

Kiến nghị với đoàn công tác của Bộ, tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh triển khai ngay các công trình cấp thiết nhằm khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với tổng số vốn dự kiến khoảng 1.368 tỉ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Sóc Trăng trong công tác phòng chống hạn mặn nên đã kịp thời ứng phó, giảm thiểu thiệt hại với tình hình này. “Sóc Trăng là 1 trong 7 tỉnh điển hình hạn mặn của khu vực ĐBSCL đã làm tốt công tác chống hạn, mặn. Bộ hoan nghênh Sóc Trăng đã làm tốt công tác này. Thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu, đưa giống ngắn ngày cho nông dân sản xuất lấp vụ 3. Giải quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong chuyến công tác này, Bộ trưởng cùng đoàn công tác của Bộ đã đi khảo sát thực tế tình hình sản xuất của nông dân ở một số địa phương của các huyện Trần Đề, Long Phú và xem xét một số đập ngăn mặn ở H.Long Phú.

Vũ Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
14 phút trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Cần 1.368 tỉ đồng cho các công trình chống hạn mặn