Một đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân mất do đại dịch COVID-19 ở TP.HCM là ý tưởng nhân văn của nhiều người. Tuy nhiên, vẫn nên nghĩ cách để tổ chức thấu đáo hơn.
Sáng 5.11, Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Phó ban Nghi lễ, Giáo hội Phật giáo TP.HCM cho biết Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM đã họp và thống nhất việc tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân mất do COVID-19. Đại lễ dự kiến sẽ diễn ra trong sáng 18.11 (tức 14.10 âm lịch) theo hai phương án nghi lễ hạn chế và cho phép tập trung đông người.
Một đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân mất bởi đại dịch COVID-19 ở TP.HCM là ý tưởng nhân văn của nhiều người. Ý tưởng này đã được những người lãnh đạo của thành phố tán đồng và ủng hộ, trong đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. Đề xuất về đại lễ cầu siêu này đã được UBND TP.HCM đưa ra tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM chiều 14.10. Sau khi thảo luận và đánh giá, Thành ủy đã thống nhất với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM nghiên cứu đề xuất hình thức phù hợp để tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19 vừa qua tại TP.HCM.
Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra rất nhiều mất mát cho cả nước, trong đó nhiều nhất là TP.HCM. Trong những mất mát, đau thương ấy thì mất mát do thiệt hại về nhân mạng của thành phố là vô cùng lớn. Tính đến nay, cả nước ghi nhận tổng cộng hơn 22.300 người tử vong do COVID-19 thì riêng TP.HCM con số này là trên 16.600 trường hợp, kéo theo hơn 1.500 học sinh bị mồ côi do đại dịch. Thế nhưng, trong mất mát đau thương ấy, trong những khó khăn có lúc tưởng chừng nghẹt thở ấy, thành phố đã có nhiều việc làm nhân văn, hợp với đạo lý của dân tộc.
Còn nhớ, Quốc sư chùa Phù Vân đã nói với đức vua Trần Thái Tông rằng phàm là người làm vua phải lấy suy nghĩ của thiên hạ làm suy nghĩ của mình. Vậy nên, những người không may mắn thì đã qua đời, một đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân chính là một liều thuốc tinh thần nhằm an ủi và chữa lành vết thương lòng của những người đang sống. Vì vậy, việc đề xuất một đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân mất bởi COVID-19 ở thành phố có thể xem là một trong những việc làm nhân văn, phù hợp đạo lý, văn hóa của người Việt và là sự tiếp nối những việc làm nhân văn trước đó.
Niềm tin tôn giáo là niềm tin thiêng liêng và bền vững. Nếu việc cầu siêu này là do Giáo hội Phật giáo thành phố chủ động đứng ra tổ chức thì sẽ rất bình thường, bởi đó là tấm lòng của Giáo hội Phật giáo. Thế nhưng, nếu Thành ủy, UBND thành phố cùng bàn bạc và phối hợp trong việc này thì có lẽ cũng cần có những cân nhắc thấu đáo. Trong số những người không may mắn đã mất bởi đại dịch, chắc chắn không phải tất cả họ đều theo đạo Phật hoặc có tín ngưỡng Phật giáo. Vậy thì, nếu Phật giáo cầu siêu, liệu hương linh của những người không theo Phật giáo có hiểu, có siêu thoát?
Không những vậy, việc này có thể gây tâm tư trong chức sắc và tín đồ các tôn giáo khác trên địa bàn thành phố. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do, tín ngưỡng của công dân và xem tất cả các tôn giáo đều bình đẳng, không có tôn giáo nào quan trọng hơn tôn giáo nào.
Nên chăng, chúng ta có thể nghiên cứu tổ chức tưởng niệm các nạn nhân bằng một hình thức khác phù hợp hơn. Chẳng hạn, khi các hoạt động của xã hội đã trở lại bình thường, chúng ta có thể chọn một ngày thứ 2 đầu tuần, đầu tháng, trong một buổi lễ chào cờ và dành một phút tưởng niệm. Các cơ quan của thành phố sẽ làm việc với các tôn giáo trên địa bàn để cùng ngày ấy, đến giờ ấy nhà thờ, chùa, thánh đường, những nơi thờ tự của các tôn giáo cùng rung chuông tưởng niệm đồng bào…