Không khó để tìm đến dịch vụ mang thai hộ trên các trang rao vặt với lời quảng cáo hoạt động nhiều năm, uy tín. 300 triệu đồng là giá trọn gói mà người môi giới đưa ra trong một ca mang thai hộ, từ thụ thai, kiểm tra định kỳ, chăm sóc nuôi dưỡng trong quá trình mang thai và đến khi đứa trẻ sinh ra, mọi liên lạc với người mang thai hộ sẽ hoàn toàn chấm dứt.
Qua liên hệ với một số đầu mối khác, phóng viên nhận thấy, dịch vụ mang thai hộ tập trung ở TP.HCM vì người mang thai hộ và các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn giữ kín thông tin. Vì vậy, mọi thỏa thuận, hoạt động giữa hai bên được các trung tâm môi giới kiểm soát khá chặt chẽ để đảm bảo một điều rằng, không để lại bất cứ một dấu vết gì về sự ra đời của đứa trẻ.
Việc mang thai hộ là rất chính đáng với những cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể mang thai được, chẳng hạn như phụ nữ không có tử cung hay bị cắt vì băng huyết, vỡ tử cung… hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai.
Luật mang thai hộ có hiệu lực từ giữa tháng 3 vừa qua đã mở ra cơ hội làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Hiện nay, có 3 bệnh viện được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Bệnh viện Trung ương Huế. Mặc dù cơ hội lớn tuy nhiên không phải quá dễ dàng bởi điều kiện đặt ra là cặp vợ chồng đó phải tìm được người mang thai hộ, người đó lại phải là họ hàng và cùng hàng với mình.
Mỗi năm, khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Mục đích của việc quy định bệnh viện nào được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không may mắn đó để tránh thực hiện mang thai hộ tràn lan, hạn chế những biến tướng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
ThS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Những trường hợp vợ chồng hiếm muộn mà trong y khoa có thể thực hiện được, nhưng vì luật không cho phép thì không thể làm, đến nay luật cho phép là rất nhân đạo”.
Bệnh viện có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ. Trường hợp nghi ngờ có thể yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp. Cơ quan tư pháp xã có thẩm quyền xác định người thân thích của bên vợ hoặc bên chồng người nhờ mang thai hộ.
Chị Đỗ Thị Diệu - tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Rất mong việc mang thai hộ được cho phép nhưng còn lo ngại việc người mang thai hộ sẽ đòi con, không trả lại sau khi sinh, lúc đó cần giải quyết thế nào, cần có những quy định cụ thể”.
Mang thai hộ là vấn đề mới lại rất phức tạp và nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người. Việc cho phép ba cơ sở thực hiện mang thai hộ mang tính thí điểm trong giai đoạn đầu để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm và quản lý tốt hơn vấn đề này.
Tâm sự của người phụ nữ đầu tiên được thực hiện mang thai hộ
Chị N (tên nhân vật đã được thay đổi) là người phụ nữ đầu tiên được thực hiện mang thai hộ. Chị N đã hoàn thành thủ tục mang thai hộ và chỉ còn chờ người mang thai hộ đến viện để thực hiện mang thai hộ. Người mang thai hộ chị N là em dâu chị, chị N thực hiện mang thai hộ ở bệnh viện phụ sản trung ương.
Chị N kết hôn 8 năm, sau khi kết hôn 1 năm thì chị có thai nhưng bị thai lưu, bác sĩ nói chị bị vô sinh thứ phát. Chữa trị cả Đông y và Tây y không hiệu quả, gây ra biến chứng, thụ tinh nhân tạo 6 lần, thụ tinh ống nghiệm 3 lần, khi có thai năm 2014 chị N lại bị thai lưu và bác sĩ báo chị bị bất thường cổ tử cung không có khả năng mang thai.
Chị N đã từng nảy sinh nhờ người khác mang thai từ giữa năm 2014, đến nay khi luật đã thay đổi là một điều đáng mừng. Nhưng không phải dễ dàng khi làm thủ tục khá phức tạp có đến 15-17 loại giấy tờ và cả định kiến xã hội áp đặt lên chị.