Ngày 23.10, hội thảo quốc tế chuyên đề "Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội, do Công ty Tractebel (Tập đoàn Engie, Pháp), Đại học Công nghệ GTVT, Đại học GTVT và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức.

Tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc Việt Nam và kinh nghiệm từ Pháp

24/10/2018, 10:28

Ngày 23.10, hội thảo quốc tế chuyên đề "Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội, do Công ty Tractebel (Tập đoàn Engie, Pháp), Đại học Công nghệ GTVT, Đại học GTVT và Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo- Ảnh: LT

Hạ tầng chưa đáp ứng được vận tải

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết giao thông vận tải được xác định là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

“Đây là một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, ông Đông nói và cho rằng trong đó phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của khoa học công nghệ.

Theo Thứ trưởng Đông, thực tế và kinh nghiệm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam và thế giới đã chỉ ra rằng, chất lượng và hiệu quả của những công trình, sản phẩm của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải luôn đi đôi với hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng, sản xuất. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện rất chậm, chưa đáp ứng được sự phát triển, tăng trưởng của nhu cầu vận tải.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực cũng là một thách thức lớn cho Việt Nam, mặc dù với quan điểm của Nhà nước là đẩy mạnh huy động nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế: nhà nước, khối tư nhân, kết hợp hình thức đối tác công-tư.

Tuy nhiên kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu và đang còn tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để việc huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam được tốt hơn trong tương lai.

Ông Đông cũng cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm so với nhu cầu, bước tiến phát triển chung của Việt Nam cũng như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đây là thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu muốn đi nhanh hơn, nhất là trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

“Việt Nam đang định hướng phát triển các dự án hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa như cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các cảng cửa ngõ khu vực phía Bắc, Nam, xây dựng đường sắt đô thị... Những kinh nghiệm của quốc tế sẽ là bài học quan trọng để tìm ra giải pháp giải quyết các thách thức mà các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trong nước thường gặp phải như huy động nguồn lực, lựa chọn công nghệ, giải pháp kỹ thuật”, Thứ trưởng Đông nói.

Không gây thiệt hại kinh tế trong khu vực dự án

Theo TS. Trương Thị Mỹ Thanh từ Đại học Công nghệ GTVTi, phát triển bền vững giao thông đô thị là nền tảng quan trọng cho Việt Nam. Vận tải hành khách khối lượng lớn (đường sắt đô thị) đóng vai trò là trục giao thông xương sống cho mỗi đô thị lớn và Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng hiện xe buýt, xe máy và giao thông phi cơ giới vẫn đóng vai trò quan trọng. Do đó, đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông vừa là thách thức vừa là cơ hội.

Kinh nghiệm về phát triển đường sắt, đặc biệt là tốc độ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy thời gian chuẩn bị cho việc xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao kéo dài khoảng 10 năm, trong khi thời gian xây dựng thì lại rất ngắn từ 4 - 5 năm (ở Nhật Bản, tuyến Shinkansen đầu tiên cần 10 năm chuẩn bị và thông qua chủ trương đầu tư, trong khi đó thời gian xây dựng chỉ hơn 4 năm).

Trên thực tế, các tuyến đường sắt tốc độ cao khi được nghiên cứu chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng, sau khi đưa vào khai thác đều có khối lượng hành khách vượt xa so với tính toán ban đầu và đều mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Trương Thị Mỹ Thanh từ Đại học Công nghệ GTVT trình bày tham luận

Theo lãnh đạo của Tractebel, hiện Paris (Pháp) có mạng lưới hơn 200km đường sắt và đang được mở rộng về các hướng bằng các tuyến tàu điện ngầm. Trong đó, Tractebel đảm nhận vai trò thiết kế cơ sở và quản lý dự án, giám sát thi công một số tuyến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2024 - 2030.

“Trước khi thiết kế, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm trong đô thị thu thập các thông tin liên quan và có các giải pháp tổng thể để loại bỏ những trở ngại và kiểm soát chi phí xây dựng. Dự án tàu điện ngầm nhằm phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống, vì vậy, không được gây thiệt hại về kinh tế trong khu vực ảnh hưởng của dự án”, chuyên gia Giorgio Fantauzzi từ Tractebel khuyến nghị.

Cũng theo ông Fantauzzi những yếu tố không nhìn thấy được có thể gây thiệt hại, ảnh hưởng tiến độ, thậm chí hư hỏng công trình. Đó là các yếu tố như khảo cổ học, bảo tồn, địa chất, thủy văn, ảnh hưởng đến kết cấu công trình các tòa nhà và các lợi ích kinh tế, xã hội... Việc thi công đào đất hầm ngầm cần áp dụng công nghệ đào hầm tiên tiến, hiện đại để đảm bảo an toàn tối đa.

Về đường sắt tốc độ cao, phía Tractebel cho biết kinh nghiệm của Pháp trong việc huy động tài chính là sử dụng hình thức hợp tác công - tư, nhượng quyền khai thác dự án cho tư nhân để giảm áp lực tài chính cho Chính phủ.

"Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển đường sắt cao tốc với một lực lượng kỹ sư lành nghề, nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi muốn thông qua hội thảo này để tìm kiếm những đối tác phù hợp để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam”, ông Giorgio Fantauzzi cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc Việt Nam và kinh nghiệm từ Pháp