Đoàn thanh niên xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bằng nhiều nguồn vốn đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo với những mô hình thiết thực, hiệu quả.
Nhịp đập khoa học

Thanh niên nông thôn Sóc Trăng khởi nghiệp sáng tạo

V.K.K - Lương Xuân Cao 07/08/2024 17:45

Đoàn thanh niên xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bằng nhiều nguồn vốn đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo với những mô hình thiết thực, hiệu quả.

ah-1-.jpg
Hồ nuôi cá Koi của anh Ngô Phú Lộc - Ảnh: L.X.C

Bí thư Xã đoàn Võ Ngọc Huỳnh cho biết: “Ở xã An Hiệp hiện nay chúng tôi đang triển khai các mô hình, chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, bước đầu đã có hiệu quả. Điển hình là Xã đoàn tạo điều kiện giúp đỡ 4 đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế như: Nuôi cá Koi, nuôi gà Peru, nuôi rắn ri voi, trồng hẹ bông".

Tại ấp An Trạch, nắm bắt nhu cầu nuôi cá cảnh, nhất là cá Koi - loài cá được nhiều người yêu thích bởi yếu tố phong thủy và được cho là mang lại những điều may mắn cho gia chủ, năm 2022, anh Ngô Phú Lộc (17 tuổi) đã mạnh dạn chọn mô hình nuôi cá Koi để khởi nghiệp.

ah-1.jpg
Mô hình nuôi cá Koi của anh Ngô Phú Lộc có hiệu quả tốt - Ảnh: Lương Xuân Cao

Anh Lộc cho biết: “Năm 2022, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá Koi, anh tôi lên Đồng Nai mua về nuôi thử nghiệm 40 con nhưng chỉ thành công được khoảng 50%. Không nản lòng, tôi quyết tâm làm lại từ thất bại đó và đã thành công khi hôm nay tôi có hàng trăm con cá đẹp”.

“Cá Koi tôi nuôi chủ yếu là các loại như Sanke, Kohaku, Matsuba, Yamabuki và Showa. Trong đó, loại cá Showa được nhiều người chọn đặt mua vì có màu sắc đẹp với 3 màu trên thân (trắng, đen và đỏ). Tôi lấy cá giống về nuôi dưỡng đến khi cá có màu sắc đẹp đem bán cho khách hàng. Tùy theo thời điểm khách hàng đặt mua, tôi bán loại 10 con/kg với giá từ 350.000 - 450.000 đồng/kg. Mô hình này cho thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí, năm thấp nhất cũng được khoảng 40 triệu, năm cao nhất được 80 triệu”, anh Lộc chia sẻ.

ah2.jpg
Anh Võ Hoàng Vinh thành công với mô hình nuôi gà Peru - Ảnh: L.X.C

Ở ấp An Tập (xã An Hiệp), anh Võ Hoàng Vinh (29 tuổi) lại thành công với mô hình nuôi gà Peru, một giống gà hoàn toàn mới lạ ở địa phương. Gà này có nguồn gốc từ nước Peru, kích thước lớn, nặng từ 3 - 5 kg/con, thậm chí có con nặng 5kg hoặc hơn.

Anh Vinh chia sẻ: "Cuối năm 2021, sau khi tìm tòi, học hỏi về giống gà Peru cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, tôi mạnh dạn mua 2 con gà mái với giá 6 triệu đồng về nuôi. Biết tôi có đam mê nuôi giống gà này, chủ bán gà cho tôi mượn một con gà trống. Lứa đầu tiên cho một đàn gà trên 20 con. Năm 2023, đàn gà của tôi phát triển mạnh. Hiện nay, trong chuồng của tôi có 14 con gà mái, 3 con gà trống, 160 gà con".

Với số gà con này, anh Vinh bán từ 600.000 - 800.000 đồng/con (từ 6 - 8 tuần tuổi), trứng bán 200.000 đồng/quả. Được biết, gà mái giống sinh sản có giá bán 4 triệu đồng/con, gà trống 15 triệu đồng/con. Tháng 4.2024 vừa qua, anh bán 14 con, thu về trên 100 triệu đồng. Hiện nay, nhu cầu về giống gà Peru ở trong và ngoài tỉnh rất lớn, khách hàng đặt nhiều nên anh Vinh đang tiếp tục mở rộng, nhân đàn gà lên số lượng lớn hơn.

ah3(1).jpg
Mô hình nuôi rắn ri voi của anh Phương Thế Phương - Ảnh: L.X.C

Anh Phương Thế Phương (32 tuổi, ấp An Trạch) lại khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri voi.

Anh Phương kể: “Năm 2019, tận dụng chuồng trại có sẵn từ nuôi heo trước đây, tôi cải tạo, đầu tư khoảng 20 triệu đồng làm thành chuồng nuôi rắn ri voi. Ban đầu tôi mua gần 100 rắn con, trong đó 40 con đực, 60 con cái, với mục đích sản xuất bán con giống. Sau gần 2 năm nuôi, rắn sinh sản được gần 300 con, tôi bán rắn giống cho người có nhu cầu. Nhưng sau đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không hiệu quả, việc chăn nuôi tạm dừng. Đến năm 2022, tôi bắt đầu nuôi trở lại. Từ đó đến nay, tôi đã xuất bán trên 1.000 con rắn giống, giá bán mỗi con từ 60.000 - 80.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi con rắn giống tôi có lời từ 35.000 - 40.000 đồng".

ah-3-.jpg
Trại nuôi rắn ri voi của anh Phương đem lại hiệu quả cao - Ảnh: L.X.C

Ở ấp Bưng Tróp A (xã An Hiệp), gia đình chỉ có 2 công đất nên anh Trần Thanh Sơn (29 tuổi) đã tạo cơ hội cho mình bằng cách trồng hẹ bông.

Theo anh Sơn, cây hẹ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng cho thu hoạch quanh năm. So với các loại cây trồng khác thì hẹ cho thu nhập đều đặn, giá bán ổn nên đời sống cũng thoải mái hơn.

“Trồng hẹ lấy bông, 2 ngày tôi hái bông một lần, mỗi lần được khoảng 25kg. Giá cả tùy thời điểm, nhưng bình quân khoảng 40.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày thu lợi 500.000 đồng, thời điểm hẹ có giá cao thì được nhiều hơn. Nhờ trồng bông hẹ mà đời sống kinh tế gia đình ổn định hơn”, anh Sơn tâm sự.

ah-4.jpg
Mô hình trồng hẹ bông của anh Sơn - Ảnh: L.X.C

Những năm trước, anh Sơn tưới theo hình thức thủ công bằng cách dùng thùng gánh nước. "Mỗi lần tưới cần 2 - 3 người, gánh nước tưới trong hơn 3 tiếng mới xong. Được nhiều người gợi ý, đầu năm 2024, tôi đầu tư trên 35 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động để tưới cho 2.000m2 hẹ của mình. Tôi được Đoàn xã hỗ trợ cho vay vốn 70 triệu đồng để thực hiện mô hình này", anh Sơn cho biết.

Chị Võ Ngọc Huỳnh, Bí thư Xã đoàn cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở và quyết tâm tập hợp thanh niên bằng cách tìm nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện để cho các bạn khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn. Khi kinh tế của gia đình ổn định, các bạn sẽ tham gia hoạt động đoàn tốt hơn và tạo động lực cho các thanh niên khác cùng tìm hướng khởi nghiệp thành công. Đến nay, các bạn đều thành công trong làm kinh tế và trở thành cán bộ đoàn tích cực ở địa phương”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh niên nông thôn Sóc Trăng khởi nghiệp sáng tạo