Kinh tế của ta nói chung và du lịch nói riêng có rất nhiều thế mạnh, mà thế mạnh nhất của Việt Nam là “mạnh ai nấy làm”.
Ngành du lịch đang được mùa dư luận. Chưa hết nhột chuyện khách Tây đến Nha Trang, Đà Nẵng nhặt rác, lại xấu hổ việc khách nước ngoài bị đánh, bị giật đồ ở TP.HCM, bị lừa "khủng" ở Hà Nội và Hải Phòng thì giờ đang lùm xùm vụ tàu du lịch Cát Bà không được qua Hạ Long và ngược lại.
Hai bên cứ tố lẫn nhau. Hải Phòng bảo Quảng Ninh “ngăn sông cấm chợ”. Quảng Ninh bảo “đúng quy trình”. Toàn những thuật ngữ chỉ có và tồn tại như một đặc trưng ngôn ngữ quản lý ở Việt Nam.
Thế mạnh nhất của kinh tế và du lịch Việt Nam
Theo ông Vũ Văn Diện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, “các tàu du lịch của vịnh Hạ Long trước đây để xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, nên phải từng bước siết chặt, loại bỏ những tàu kém chất lượng”. Ý là tăng cường quản lý, loại bỏ tàu không đảm bảo an toàn. Nhưng tại sao lại cấm toàn bộ tàu từ Cát Bà qua Hạ Long? Chẳng lẽ tàu nào từ Cát Bà qua cũng kém chất lượng. Lẽ nào Hải Phòng chơi toàn tàu dỏm?
Bà Vũ Thị Thơm - Hội trưởng Hội Tàu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) cho biết: “Mấy năm gần đây, mỗi khi tàu du lịch của Hải Phòng đưa khách từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long là bị lực lượng liên ngành của Quảng Ninh đến kiểm tra, thu giữ giấy tờ nên buộc phải bỏ chạy. Phải sang Quảng Ninh mới đi được". Hai bên đưa đẩy qua lại. Kiểm tra là chuyện bình thường. Còn thu giữ giấy tờ là chuyện khác. Nếu là người ngay sao phải bỏ chạy?
Ông Vũ Tiến Lập - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cát Hải cho biết: "Quảng Ninh chỉ thông báo về tuyến điểm du lịch trên vịnh Hạ Long và yêu cầu các doanh nghiệp phải cho tàu đi đúng tuyến điểm thì mới được hoạt động. Mặt khác, họ quy định nếu muốn hoạt động trên vịnh Hạ Long thì phải mở đăng ký kinh doanh bên tại thành phố Hạ Long. Doanh nghiệp Cát Bà chưa đủ điều kiện thì làm sao hoạt động được”. “Mở đăng ký kinh doanh” là sao? Là mở văn phòng và đăng ký kinh doanh hay chỉ cần đăng ký kinh doanh và mở văn phòng ảo?
Ý đầu quá đúng nhưng ý sau thì khó hiểu. Chừng nào, qua bán tour và đón khách tại Hạ Long mới phải đăng ký kinh doanh tại đó. Quy định nào của ngành giao thông vận tải buộc tàu chỉ đi qua vùng biển khác phải “mở đăng ký kinh doanh” thêm? Nếu đi xuyên Việt thì sao? Chẳng lẽ phải “mở đăng ký kinh doanh” đủ mấy chục tỉnh?
Lại nhớ chuyện các tỉnh thành các nở rộ bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch đến địa phương mình. Các nước khác chỉ có duy nhất “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” dành cho cả người dân lẫn du khách. Rồi chuyện vé tham quan các điểm du lịch và nhiều quy định khác của từng tỉnh, thậm chí từng huyện. Nói đâu xa, các doanh nghiệp TP.HCM cũng đang kêu trời vì thủ tục hành chính phiền phức, dù lãnh đạo thành phố hô hào quyết tâm phát triển du lịch đường sông và đường thủy. “Phép vua thua lệ làng” không còn là chuyện ngày xưa, mà là việc rất phổ biến ngày nay.
Nhiều người lắc đầu ngao ngán và kết luận, kinh tế nói chung và du lịch nói riêng có rất nhiều thế mạnh, mà thế mạnh nhất của Việt Nam là “mạnh ai nấy làm”. Đây là cản trở lớn nhất, dù cứ ra rả suốt ngày lý thuyết “liên kết tỉnh, hợp tác vùng”, “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”… Ngành nào cũng muốn và cho rằng ngành minh là mũi nhọn, nhưng không phải cùng về một hướng, vì sự phát triển của đất nước mà đâm tứ phía, trì kéo lẫn nhau. Tất cả đều mũi nhọn nên thành gai, không biết là sầu riêng hay mít?
Không ngăn sông cũng chẳng hề cấm chợ nhưng...
Chuyện “ngăn sông cấm chợ” của thời bao cấp cứ tưởng đã lùi vào dĩ vãng, thật ra vẫn tồn tại. Chỉ khác là không trắng trợn mà biến tướng, núp dưới nhiều mỹ từ. Các cấp quản lý ở Việt Nam là những bậc siêu phàm về sáng tạo ngôn ngữ, như chuyện “phí = giá” chẳng hạn.
Nếu Quảng Ninh buộc các tàu ở Cát Bà hay bất cứ nơi nào khác vào vịnh Hạ Long phải “mở đăng ký kinh doanh” tại đó thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ chở khách qua nhà anh chơi thôi mà. Chừng nào tôi làm và bán dịch vụ ngay nhà anh mới phải đăng ký, chứ không phải mỗi chút mỗi giấy phép. Tới đâu cũng phải tuân thủ các quy định, pháp luật chung cho từng quốc gia chứ đâu riêng từng tỉnh.
Các tàu ra vào vịnh Hạ Long phải đảm bảo an toàn, phương tiện đang được phép lưu hành và chỉ cần thông báo với cảng vụ. Nếu vi phạm, tùy mức độ mà xử phạt, thậm chí giữ tàu, chứ không có kiểu chạy qua Cát Bà là thoát. Buôn lậu cũng phải truy đuổi đến cùng.
Nếu Tổng cục Du lịch không vào cuộc dứt điểm rõ ràng, vụ việc có thể lan rộng, các tỉnh khác sẽ học tập để chứng tỏ quyền quản lý. Nay mai, xe cộ chạy qua tỉnh nào phải xin phép tỉnh đó. Không chừng đến cả người đi bộ qua tỉnh khác cũng phải đăng ký. Khổ nhất là vùng biển, sông hay đất tiếp giáp, ranh giới không rõ ràng, phải xin phép cả hai nơi nếu không muốn bị đuổi hoặc xử phạt.
Theo bà Thơm “trước dây khi đi tham quan Hạ Long chỉ cần "làm lệnh" tại cảng vụ Bến Bèo của Cát Bà, đến tham quan hang động nào mua vé hang động đó là đủ. Nay chỉ đi trên vịnh cũng không được. Tàu ở Cát Bà muốn sang vịnh Hạ Long phải có lệnh xuất bến bên Tuần Châu, Hạ Long”. Tức là tàu ở Cát Bà phải sang Tuần Châu để đón khách, nghĩa là khách Hải Phòng phải đi xe hoặc đi bộ qua Tuần Châu mới lên tàu của Cát Bà đi Hạ Long được. Cứ tưởng chuyện “Những người thích đùa” (Azit Nexin) thời @ của du lịch Việt Nam.
Phi lý và rối rắm. Rõ ràng là Quảng Ninh không hề “ngăn sông”, cũng chẳng “cấm chợ”, chỉ đang “rào chợ” bằng dây kẽm gai tự tạo.
Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty Tư vấn - Dịch vụ và Phát triển du lịch CBT)