Việc các thiết bị gây nhiễu, phá sóng GPS đang được bán ngày một nhiều trên mạng với giá cả phải chăng, cách sử dụng cũng đơn giản khiến không ít chủ xe đang thực hiện dịch vụ cho thuê xe hết sức lo lắng. Một số trang thương mại điện tử cũng công khai cung cấp những mặt hàng này.

Thiết bị phá sóng GPS bán tràn lan khiến các chủ xe lo lắng

Genk | 07/09/2019, 18:13

Việc các thiết bị gây nhiễu, phá sóng GPS đang được bán ngày một nhiều trên mạng với giá cả phải chăng, cách sử dụng cũng đơn giản khiến không ít chủ xe đang thực hiện dịch vụ cho thuê xe hết sức lo lắng. Một số trang thương mại điện tử cũng công khai cung cấp những mặt hàng này.

Không còn là “bùa hộ mệnh”

Ngày 2.9, anh Phan Quang Hưng - một người làm dịch vụ cho thuê xe tự lái tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đã lên mạng cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng khi chiếc xe ôtô hiệu Mitsubishi Xpander màu trắng BKS 79-249.xx mất tích cùng người thuê.

Theo anh Hưng, trước đó, vào 22h ngày 26.8, anh cho một người tên Hùng thuê xe bằng giấy chứng minh thư nhân dân và hẹn 3 ngày sau trả xe. Tuy nhiên 10h sáng hôm sau (27.8), hệ thống định vị trên xe bỗng ngừng hoạt động. Điểm định vị cuối cùng được xác định tại địa phận tỉnh Bình Phước. Lúc này, khổ chủ mới đem giấy tờ tùy thân của người thuê ra soi chiếu thì tá hỏa phát hiện có dấu hiệu bị làm giả.

Sau khi bài viết cầu cứu được đăng tải, nổi lên giữa những dòng phản hồi chia sẻ là không ít ý kiến cảnh báo về thực trạng bộ phát tín hiệu GPS giờ đây đã không còn là “bùa hộ mệnh” cho các phương tiện nữa. Do đó, các chủ xe (nhất là những người làm trong lĩnh vực cho thuê xe) cần phải mau chóng có biện pháp thay thế. “Xưa nay, thiết bị định vị GPS thường chỉ to như bao diêm, được chủ xe giấu rất kỹ, an tâm rằng kẻ gian muốn vô hiệu cũng khó tìm thấy nhưng bây giờ đã khác rồi. Kẻ gian chỉ cần bật thiết bị phá sóng thì cả hệ thống định vị sẽ tê liệt”, tài khoản Trương Hoài Nam chia sẻ.

Từ thông tin trên, theo tìm hiểu của nhóm PV qua kênh thực tế là các cửa hàng buôn bán phụ tùng, linh kiện ôtô và cả kênh mua bán online, được biết thiết bị phá sóng GPS là có thật. Tuy nhiên, do đây là mặt hàng chịu sự quản lý nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước nên thường được bán qua kênh online, khách nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Ngày càng tinh vi

Dạo một vòng qua chợ thiết bị online, PV nhận thấy các thiết bị phá sóng GPS được bán với giá rất rẻ, chỉ từ 300.000 đồng cho tới trên 1 triệu đồng, có hình dạng to thì như một chiếc máy bộ đàm cầm tay, nhỏ thì chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái. Các thiết bị được mô tả là sử dụng đơn giản và dễ dàng; tín hiệu gây nhiễu từ các thiết bị này sẽ ngăn chặn bất kỳ tín hiệu GPS trong vòng 10-15m.

Một số website kinh doanh các thiết bị này có thể kể đến là www.congnghe…; www.nhatnam…; www.thietbi… và ngay cả một số trang thương mại điện tử như tiki.vn, lazada.vn cũng không ngoại lệ. Các website này giới thiệu hàng chục mẫu thiết bị phá sóng GPS có mẫu mã rất bắt mắt, được quảng cáo là có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo tìm hiểu, những thiết bị phá sóng định vị GPS chủ yếu được tuồn lậu về nước cùng một số mặt hàng điện tử nhạy cảm khác như camera quay lén, kính quay lén... Việc giao dịch thường diễn ra lén lút. Khi sử dụng thiết bị phá sóng này, chủ xe chỉ biết được vị trí của xe khi thiết bị chưa kích hoạt. Điều này khiến cho việc theo dõi vị trí thật chiếc xe bị gián đoạn.

Liên hệ với một người bán các thiết bị phá sóng theo số điện thoại trên www.congnghe… thì người bán cho biết đang ở Hà Nội, các mẫu máy này là hàng cấm nên chỉ chấp nhận giao hàng qua chuyển phát nhanh. Nếu muốn mua thì báo mẫu máy cần mua theo thông tin trên website, sau đó chuyển tiền mua hàng vào tài khoản ngân hàng, sẽ có người giao hàng tận nơi, trong 48h là có hàng.

Khi PV tỏ ý phân vân giữa các mẫu thiết bị thì đầu dây bên kia hỏi thẳng: “Anh dùng cho xe máy hay ôtô?” - PV nói không hiểu ý thì đầu bên kia tư vấn tiếp: “Cái mẫu nho nhỏ thì không có pin đâu. Anh phải tiếp nguồn cho nó. Nó chỉ phù hợp với ôtô vì phải cắm vào tẩu sạc cấp nguồn mới chạy. Còn cái dạng bộ đàm kia thì có pin sẵn rồi, chạy liên tục được 3-4 giờ. Cứ bật lên là chạy”. Ngoài ra, người bán cũng cam kết bảo hành 3 tháng, một đổi một cho thiết bị nếu lỗi kỹ thuật.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Cty TNHH Viễn thông Lâm Digital (Hà Nội) - cho biết, thiết bị phá sóng GPS phát ra một tín hiệu có công suất lớn hơn so với thiết bị phát sóng GPS. Điều này dẫn đến việc thiết bị nhỏ bị chèn ép bởi thiết bị lớn hơn, dẫn đến vô hiệu hóa thiết bị GPS. Đối với người dân, không nên tin tưởng quá vào thiết bị GPS, cần có biện pháp cụ thể hơn như: Khóa xe, có người trông coi để bảo vệ tài sản của mình.

Nhằm đối phó sự truy tìm của khổ chủ và công an, nhiều đối tượng đã sử dụng thiết bị phá sóng để trộm cắp ôtô, xe máy có gắn thiết bị định vị GPS. Vì vậy, việc gắn thiết bị GPS không có nghĩa là an toàn tuyệt đối, việc tìm lại tài sản mất cắp là rất khó khăn.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết có cả hiện tượng tài xế xe khách tuyến cố định sử dụng thiết bị phá sóng GPS để làm ảnh hưởng đường truyền tới tổng đài của Tổng cục Đường bộ hòng chạy ngang chạy tắt.

“Theo quy định, mỗi xe khách đều phải lắp thiết bị định vị và thường xuyên được truyền về tổng đài của Tổng cục Đường bộ để theo dõi, giám sát tốc độ cũng như hành trình. Việc sử dụng thiết bị GPS sẽ khiến công tác theo dõi bị gián đoạn và không thể đưa ra số liệu về tốc độ xe chạy trên đường để có căn cứ xử phạt”, ông Nguyễn Ngọc Lâm nói.

Long Nguyễn/GenK
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết bị phá sóng GPS bán tràn lan khiến các chủ xe lo lắng