Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt đã xuất hiện trường hợp tử vong. Ngành y tế TP.HCM cảnh báo người dân không được chủ quan, khi bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách.

Thiếu nữ 16 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết, TP.HCM ra cảnh báo người dân

06/09/2020, 15:50

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt đã xuất hiện trường hợp tử vong. Ngành y tế TP.HCM cảnh báo người dân không được chủ quan, khi bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV

Xuất hiện 9 ổ dịch sốt xuất huyết, TP.HCM cảnh báo nguy cơ bùng phát

Bộ Y tế cho phép nhập khẩu thuốc trị sốt xuất huyết chưa có giấy đăng ký

Hà Nội: Xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh

Ngày 6.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã có 11.999 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 người điều trị ngoại trú. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, TP ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là nữ (16 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM). Cô gái này mắc sốt xuất huyết nhưng nhập viện trễ và đã diễn tiến nặng trước khi vào viện.

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, dù so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (năm bùng phát dịch sốt xuất huyết), số ca mắc bệnh có thấp hơn nhưng từ nay đến cuối năm dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến rất khó lường. Lý do vì giai đoạn cao điểm sốt xuất huyết ở TP.HCM năm nay bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 1.2021, trong đó đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.2020.

Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh sốt xuất huyết hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Nếu toàn thể cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết tại TP là rất lớn.

Bà Nga cho biết sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác vì diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Do đó, bệnh nhân không thể chủ quan, cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị cho phù hợp.

“Chúng ta không vì COVID–19 mà e ngại tới cơ sở y tế khám bệnh vì hiện nay, các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc, tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường và người có triệu chứng hô hấp”, bà Nga nói.

Trước tình hình trên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã ra cảnh báo người dân khi bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Người dân tuyệt đối không được chủ quan, khi có dấu hiệu bệnh, đặc biệt là các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cần nhanh chóng đi khám bệnh, không tự ý điều trị tại nhà.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý sớm ổ dịch, vận động người dân tự thực hiện biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại nhà của mình. Cần thông tin về các dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết để dân không chủ quan, đi khám và điều trị kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết những dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết chuyển biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế như sau:

Ói nhiều, đau bụng nhiều.

Có những dấu hiệu xuất huyết như chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ.

Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt. Khi có dấu hiệu này thì cũng đã trễ vì nguy cơ trẻ đã bị tụt huyết áp, sốc.

Bệnh nhân cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng chứ không chờ cho đến khi có dấu hiệu rất nặng rồi mới nhập viện.

Hồ Quang

Bài liên quan
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm
Theo CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu nữ 16 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết, TP.HCM ra cảnh báo người dân