Nhận định nhiều ưu điểm cũng như tác động tích cực của Thông tư 02 thời gian qua đã có tác động tích cực đến hệ thống tài chính và doanh nghiệp.
"Cứu cánh" cho doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay tài trợ sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng.
Theo đó, Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, trên cơ sở đánh giá thực trạng khách hàng, khả năng trả nợ, năng lực tài chính của TCTD.
Nhờ Thông tư 02, doanh nghiệp sẽ giúp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ. Đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và năm tiếp theo. Điều kiện áp dụng ở đây là doanh nghiệp, bên vay cần có đề nghị, có phương án trả nợ khả thi và làm ăn tuân thủ pháp luật.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số điều kiện cụ thể với thời hạn một năm kể từ ngày được cơ cấu lại nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, vốn hiện nay, trên cơ sở đánh giá thực trạng khách hàng, khả năng trả nợ, năng lực tài chính của TCTD, qua đó giúp bên vay vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp tục sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng... Việc này được thực hiện từ nay đến hết tháng 6.2024.
Đối với doanh nghiệp, TS Lực nhìn nhận: Thông tư 02 là quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và TCTD kỳ vọng giúp ngăn việc gia tăng nợ xấu nội bảng của các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay, góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh sau này.
Vì Thông tư này chỉ có hiệu lực ngắn đến giữa năm 2024 nên sau này thị trường sẽ phụ thuộc vào sự vận động, linh hoạt, thích ứng, sản xuất kinh doanh hiệu quả của mỗi doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại hay được mua lại trái phiếu doanh nghiệp... "Nếu doanh nghiệp không tự tái cơ cấu, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, bên vay và các tổ chức tín dụng", TS Lực nói.
TS Lực cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần quyết tâm đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, vừa hỗ trợ giải tỏa vốn ngân sách tồn đọng, nợ đọng giữa các doanh nghiệp với nhau, vừa góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 và lâu dài.
"Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ đạo với cách tiếp cận là mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ, đúng lúc mới đảm bảo cùng trợ lực cho doanh nghiệp, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, vừa giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng, vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát", TS Cấn Văn Lực cho hay.
Ở góc độ của Công ty chứng khoán cho rằng VNDirect, đánh giá Thông tư 02 sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Đồng thời, thông tư này sẽ có tác động tích cực nhất đến các ngân hàng có tỉ trọng cho vay doanh nghiệp phát triển bất động sản cao trong danh mục tín dụng (Techcombank: 26%; VPB: 14%), doanh nghiệp xây dựng (LienVietPostBank: 11%, OCB: 9%) và vay tiêu dùng (công ty tài chính FE Credit, công ty tài chính HDSaison...).
Giảm áp lực trả nợ cho khách hàng
Trong khi đó, nói về tác động thế nào đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá, với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có các hướng dẫn nội bộ, quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu lúc này. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng cần phải đảm bảo công khai minh bạch, tránh trục lợi, lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu.
"Có thể nói với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự triển khai của các ngân hàng thương mại, chúng tôi tin tưởng Thông tư 02 thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những giải pháp chính sách hết sức thiết thực, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay", ông Tú nói.
Theo đánh giá từ thực tế nền kinh tế cũng như lắng nghe các nhà quản lý lãnh đạo, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước thấy rằng không chỉ riêng sản xuất kinh doanh, vấn đề tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân cũng đang gặp khó khăn, nguồn thu nhập của họ bị sụt giảm, chưa có điều kiện để trả nợ lúc này. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân vào đối tượng được hoãn giãn nợ lên đến 1 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi trực tiếp cho người dân có khoản nợ chưa trả được.
"Đối tượng điều chỉnh tại chính sách này rộng khắp mọi lĩnh vực cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống. Đây là 1 trong những chính sách rất được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các đối tượng thụ hưởng rất phấn khởi bởi các quy định chính sách rất thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho họ", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.