Có thể bây giờ lương sẽ tăng, nhưng với mức tăng ấy trong thời xăng dầu tăng, dịch vụ tăng, chuyện học hành của con cái cũng tốn kém hơn, thì mức thu nhập tăng ấy sau khi trừ phụ chi tăng, sẽ quay về mức thu nhập cũ, thậm chí thấp hơn.

Thu nhập từ tăng ca của công nhân và cái vòng luẩn quẩn

Nhà thơ Thanh Thảo | 09/03/2022, 15:22

Có thể bây giờ lương sẽ tăng, nhưng với mức tăng ấy trong thời xăng dầu tăng, dịch vụ tăng, chuyện học hành của con cái cũng tốn kém hơn, thì mức thu nhập tăng ấy sau khi trừ phụ chi tăng, sẽ quay về mức thu nhập cũ, thậm chí thấp hơn.

Sau khi đã “phủ sóng” tiêm vắc xin, khu vực TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ đã thể hiện sự hạ nhiệt thấy rõ của dịch COVID-19, kể cả khi biến thể Omicron khiến nhiều người lo ngại đang có nguy cơ lan tràn. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất để bắt đầu làm ăn khấm khá trở lại.

Bây giờ, người ta lại nghĩ tới lực lượng lao động. Đó là công nhân, chủ yếu công nhân đã từng làm việc trong các doanh nghiệp lớn, những nhà máy lớn, những công ty lớn. Khi độ lớn càng… to, thì sự xoay trở sau dịch bệnh càng có phần chậm, đó là điều đương nhiên. Nhiều công nhân đã phải hồi hương về quê trong thời đỉnh cao của dịch bệnh, nay bớt dịch lại quay về chỗ làm cũ, vì ở quê cũng không biết cách gì để sống.

Nhưng quay lại nhà máy hay công ty cũ để làm việc, dù những nơi này “hân hoan chào đón họ”, rất nhiều công nhân phải suy nghĩ cân nhắc. Chính khi công nhân khốn khổ nhất trong đỉnh dịch, mà nhà máy hoặc công ty mình làm chẳng giúp gì cho mình thoát thời điểm khốn cùng, thì liệu nơi đó có chỗ cho mình gắn bó lâu dài không? Câu trả lời, công nhân tự tìm cho mình. Họ chọn lựa những nhà máy hay công ty khác.

Bây giờ đang là thời điểm người lao động “đắt hàng”, còn thời gian cho sự đắt hàng này kéo dài bao lâu thì không mấy ai biết. Có thể bây giờ lương sẽ tăng, nhưng với mức tăng ấy trong thời xăng dầu tăng, dịch vụ tăng, chuyện học hành của con cái cũng tốn kém hơn, thì mức thu nhập tăng ấy trừ đi phụ chi tăng, sẽ quay về mức thu nhập cũ, thậm chí kém hơn. Nghĩa là công nhân vẫn thu nhập không đủ sống.

Một vị tiến sĩ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, dựa vào phương pháp tính "Lương đủ sống Anker", đã nói về chuyện công nhân phải tăng ca:

"Tăng ca để nâng thu nhập nhưng lại phải mất tiền gửi con, sức khỏe suy giảm. Về lâu dài lại tốn chi phí cho y tế". Nữ tiến sĩ nói và cho rằng đây là vòng luẩn quẩn mà hầu như công nhân nào cũng mắc phải.

Do hợp đồng với đối tác quy định chặt chẽ thời gian giao hàng, nên nhà máy phải tăng ca thường xuyên. Công nhân tăng ca sẽ tăng thêm thu nhập, nhưng bù lại, thứ mà họ mất lớn nhất chính là sức khỏe bản thân mình. Sức khỏe giảm, sinh ra bệnh tật, không còn đủ sức lao động, tương lai những công nhân ấy sẽ thế nào?

Có một thực tế, là rất nhiều cặp vợ chồng công nhân không dám có đứa con thứ 2, dù lãnh đạo TP.HCM kêu gọi, thậm chí “treo thưởng 10 triệu đồng” cho cặp vợ chồng nào sinh con thứ 2, nhưng gần như không có người hưởng ứng. Họ thấm thía, sinh con thứ 2 thì làm sao nuôi? Sinh một con, nuôi đã quá vất vả rồi.

Như thế, chỉ tính đơn giản thì làm tăng ca có tăng thêm thu nhập, nhưng bù qua trừ lại, thu nhập ấy không giúp công nhân có được một số tiền tích lũy, dù ít ỏi. Chưa kể, làm tăng ca, sức khỏe giảm sút sẽ sinh nhiều bệnh tật, lúc ấy, tiền đâu chữa bệnh?

Những vòng luẩn quẩn của người công nhân, bản thân họ biết lắm, nhưng không thoát nổi. Những cái vòng ấy nếu không được gỡ bởi doanh nghiệp, bởi nhà nước, thì chỉ cần có một tai ương cộng đồng như đợt dịch bệnh COVID nữa xảy ra, thì biết làm sao?

Chúng ta đều biết, tiền dành dụm của mỗi gia đình cho một “quỹ dự phòng” là vô cùng cần thiết, phòng những khi ốm đau, tai nạn hay bất cứ việc gì phải bắt buộc cần đến tiền. Cái “quỹ dự phòng” ấy ở mỗi gia đình công nhân hiện nay gần như không có. Đó là điều đáng lo ngại nhất.

Tôi sẽ trở lại câu chuyện lương công nhân không đủ sống ở bài viết thứ 3, câu chuyện về nhà ở công nhân.

Bài liên quan
Lương công nhân không đủ sống là bài toán đang chờ lời giải
Cuộc sống đâu chỉ cần ngày hai bữa cơm đạm bạc, buổi sáng chỉ một bát mì tôm, mà sống còn gắn liền với chỗ ở, với đủ mọi sinh hoạt cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu nhập từ tăng ca của công nhân và cái vòng luẩn quẩn