Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức được phép chứng nhận phân bón nhưng từ đó đến nay không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với những sai phạm ở mức độ được cho là "rất nghiêm trọng".

Thủ phạm nào khiến nông dân vốn nghèo lại nghèo thêm?

14/05/2016, 08:18

Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức được phép chứng nhận phân bón nhưng từ đó đến nay không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với những sai phạm ở mức độ được cho là "rất nghiêm trọng".

Trước hết, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trong việc đã dám "khui" ra trong nội bộ Bộ NN&PTNT của họ sự sai phạm, vô trách nhiệm trước người nông dân và xa hơn là người dân sử dụng sản phẩm nông nghiệp cả nước, qua việc thanh tra tại 11 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định là cơ sở chứng nhận, thử nghiệm phân bón. Điển hình cho những sai phạm này là ở Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (gọi tắt Trung tâm vùng Nam Bộ).

Theo báo Dân trí thì Trung tâm này được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức được phép chứng nhận phân bón nhưng từ đó đến nay không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm. Với sự buông lỏng quản lý đến như vậy của Cục Trồng trọt cho nên Trung tâm này đã thực hiện chứng nhận, kiểm nghiệm cho hàng ngàn sản phẩm, hàng trăm doanh nghiệp với những sai phạm ở mức độ được cho là "rất nghiêm trọng".

Theo kết luận Thanh tra: Trung tâm trên đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục quy định của Bộ NN-PTNT, vi phạm quy định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (CLSPHH). Nghiêm trọng hơn nữa, Trung tâm vùng Nam Bộ còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm này không hề được chỉ định chức năng trên (chỉ được chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy). Đây là hành vi "chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định" mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm. Sau khi chứng nhận xong, Trung tâm cũng không hề lưu mẫu. Một điều tối kỵ đối vói công tác kiểm định nói chung.

Hệ luỵ của sự buông lỏng này là hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, được chứng nhận sai, nhiều sản phẩm lại nằm ngoài danh mục cho phép... Ấy thế mà họ dám nhân danh Nhà nước đóng dấu "hợp quy" để các doanh nghiệp tự tung tự tác bán tràn lan trên thị trường cho người dân sử dụng. Hậu quả là những sản phẩm phân bón “hợp quy” dỏm này đã khiến nông dân lãnh đủ và người nông dân chân lấm tay bùn vốn đã nghèo lại “mắc cái eo”, càng nghèo thêm. Sự bất hạnh này đã được sự tiếp tay, trợ giúp đắc lực của một số cơ quan nhà nước mà cụ thể là Cục Trồng trọt cùng các cơ sở của họ.

Họ làm việc này "vô tình" hay hữu ý, tôi chưa thể khẳng định 100% nhưng có một điều chắc chắn, đó là sự vô trách nhiệm đến mức tệ hại, không thể tệ hơn của những người đang nhân danh nhà nước để đóng dấu chứng nhận, những người đang hưởng lương nhà nước mà chính người nông dân đã và đang đóng thuế để nuôi cả bộ máy. Cái nỗi đau này thật quá lớn!

Dư luận cũng đã từng vô cùng bức xúc câu chuyện của mấy tháng trước mà nay có vẻ đã bị "chìm xuồng". Nó liên quan đến chuyện doanh nghiệp Thuận Phong làm phân bón giả ở Đồng Nai. Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho tôi biết thì: "Nó nghiêm trọng ở chỗ, các cơ quan chức năng đã nhập cuộc rất tích cực, 2 lần Bộ Khoa học - Công nghệ đã khẳng định đó là hàng giả, rồi Bộ Quốc phòng vài hôm trước cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, vạch trần việc doanh nghiệp này đang "núp bóng" sản xuất trên khu đất K888 của quân đội, ghi nhãn kiểu lập lờ để lừa dối khách hàng, khiến nhiều người lầm tưởng sản phẩm này do quân đội sản xuất nên rất bất lợi cho quân đội... Vậy mà sao cơ quan điều tra Công an Đồng Nai lại vẫn cố tình bao che cho công ty Thuận Phong? Họ tạo nên cả một đường dây báo cáo không đúng sự thật, cố tình bỏ qua mọi sự thật trong khi tội phạm thì rành rành và rõ như ban ngày. Nhập phân bón rễ về in lại mác ghi phân bón lá. Thật vô cùng nguy hiểm về an toàn thực phẩm...".

Nhân vụ động trời ở Cục Trồng trọt, trong đó cũng có nhiều sản phẩm của công ty Thuận Phong được chứng nhận hợp quy, tôi hy vọng tất cả sẽ được lôi ra ánh sáng.

Tôi cũng rất mừng khi thấy thái độ của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong chỉ đạo của ông đối với vụ việc xảy ra ở Cục Trồng trọt vừa được Thanh tra Bộ kết luận. Ông Cao Đức Phát đã bày tỏ đại thể rằng: Quan điểm của Bộ trưởng và các cơ quan của Bộ là xử lý nghiêm, đã giao công an tiếp nhận hồ sơ và xử lý đúng người, đúng tội, không loại trừ ai...

Chúng ta hãy chờ xem, trong 3 tháng nữa sự việc sẽ như thế nào, như Bộ trưởng đã bày tỏ trước dư luận cả nước.Tuy nhiên, để có được một kết quả khách quan, chỉ một bộ nào đó quyết liệt thì cũng chưa đủ, bởi nó liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương khác và đòi hỏi tất cả cùng vào cuộc. Tuy nhiên, bản thân bộ chủ quản một khi đã kiên quyết, không bao che thì lẽ nào lại còn khó làm? Và tôi hy vọng Thủ tướng Chính phủ cần được nghe báo cáo nhanh những vụ việc nghiêm trọng như thế này để chỉ đạo quyết liệt, ngăn ngừa sự bao che của những ai đó, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thực phẩm an toàn. Qua đó lấy lại niềm tin trong nhân dân và cũng là để chứng minh "Chính phủ nhiệm kỳ này là Chính phủ của liêm chính và hành động".

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
7 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ phạm nào khiến nông dân vốn nghèo lại nghèo thêm?