Báo chí sẽ là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ.

Thủ tướng: Báo chí cách mạng góp phần quan trọng để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay

Theo Báo Chính Phủ | 20/06/2021, 22:20

Báo chí sẽ là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta tự hào và khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 20.6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021).

Cùng dự cuộc gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng chí có mặt tại cuộc gặp và tất cả các nhà báo lão thành, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí của Việt Nam ở trong nước và ngoài nước.

Các nhà báo luôn là những chiến sĩ dũng cảm

Thủ tướng khẳng định, lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ phò chính trừ tà”. Đối với người làm báo cách mạng, Bác cũng khẳng định “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, do đó “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Chính vì vậy, sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả.

 “Nhân dịp này, chúng ta thành kính tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân, biết ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến các liệt sĩ, nhà báo đã hy sinh và đến các thế hệ nhà báo đã cống hiến hết mình vì đất nước, vì sự nghiệp của đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Thời kỳ nào cũng vậy, các nhà báo luôn là những chiến sĩ dũng cảm trên tất cả các mặt trận. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh các nhà báo tác nghiệp quên mình trong phòng chống tội phạm, thiên tai, bão lũ, trên những điểm nóng khác, mọi lúc và đặc biệt trong thời gian gần đây là những chiến sĩ báo chí giữa tâm dịch COVID-19 để thông tin kịp thời, chính xác tình hình phòng chống dịch đến công chúng.

“Chúng ta tự hào và khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí tham dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cầu nối truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hết mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp đã đề ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò, vị trị rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng lấy thí dụ mang tính hình tượng:

Tại đầu cầu phía Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”; với tinh thần phát triển nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là quyết định, dựa trên 3 trụ cột chính là phát huy giá trị con người Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời lấy ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Đầu cầu bên kia là nhân dân mong muốn Chính phủ liêm chính, hành động hiệu quả, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Các cơ quan báo chí sẽ là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ để nhân dân cổ vũ, động viên, hưởng ứng những việc Chính phủ đang làm tốt, chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn và góp ý, phản biện những khó khăn, hạn chế, vướng mắc để Chính phủ phân tích, lắng nghe và tiếp thu, khắc phục trong việc ban hành, thực thi và giám sát chính sách khi vào cuộc sống.

Ở chiều ngược lại, báo chí sẽ phản ánh nguyện vọng, mong muốn, những việc hài lòng, không hài lòng của nhân dân với Chính phủ để Chính phủ có những phản ứng, điều chỉnh chính sách kịp thời, hiệu quả, khả thi và sát tình hình thực tế. Báo chí phản ánh chân thực cuộc sống để chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn và hiệu quả thực tế làm thước đo.

Báo chí cũng phản ánh quan điểm, hành động của Chính phủ trong điều hành và xây dựng nền hành pháp, lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân là trung tâm cải cách, thực thi và vận hành nền hành pháp, tạo sự đồng thuận, củng cố, tăng cường niềm tin nhân dân với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

“Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, kết nối giữa Chính phủ và nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm 'lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực'; 'lấy cái đẹp dẹp cái xấu' để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng các cơ quan báo chí tại cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với báo chí

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, tác động khó khăn trăm bề. Đất nước chúng ta là một trong những điểm sáng trên thế giới thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó, sự đóng góp trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối và nâng cao ý thức, hành động cụ thể, hiệu quả chống dịch của người dân là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhiều mặt, trong đó có thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước đang quyết tâm để ngăn chặn đại dịch trong đó chú trọng chiến lược vắc xin để tiêm miễn phí đến toàn dân hằng năm, tạo miễn dịch cộng đồng để sớm phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế để xây dựng, triển khai kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hành động của các cơ quan báo chí  trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện cho được mục tiêu chung.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, đánh giá cao và sẽ nghiên cứu có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phạm vi, quyền hạn của Chính phủ. Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà báo để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hiểu dân và gần dân, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại cuộc gặp mặt là chính đáng, xuất phát từ thực tiễn; Chính phủ ghi nhận và sẽ nghiên cứu xem xét nghiêm túc để đưa ra các quyết định cụ thể, phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hướng tới 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng đất nước phát triển phồn vinh

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tình hình thời gian qua càng khẳng định vai trò của báo chí trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, góp phần nâng cao uy tín đất nước. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao sự vươn lên, đồng hành của báo chí, nhất là trong tuyên truyền đóng góp vào thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, củng cố đồng thuận, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp; tuyên truyền đối ngoại…

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, báo chí cần chuẩn bị chiến lược, tầm nhìn mới hướng tới kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng chí tin tưởng báo chí nước nhà sẽ đạt nhiều thành tựu lớn hơn nữa để cùng đất nước phát triển phồn vinh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong suốt 96 năm qua, báo chí cách mạng đã luôn tiên phong đi đầu và sẽ tiếp tục tiên phong, đi đầu trong giai đoạn phát triển mới để góp phần đưa đất nước bứt phá, vươn lên. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí và truyền thông để “đưa chính sách vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào chính sách”.

Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có 851 cơ quan báo chí với khoảng 50.000 người làm việc, trong đó có 20.000 phóng viên. Cho tới nay, cả nước đã hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch báo chí và đang triển khai việc phát triển báo chí theo quy hoạch để báo chí cách mạng phát triển đúng định hướng, xứng tầm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội. Các Bộ trưởng cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo đã luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

“Việt Nam được đánh giá là minh bạch trong cung cấp thông tin về phòng chống dịch. Có thể nói, dù ở đâu có hoạt động chống dịch thì ở đó có mặt đội ngũ những người làm báo, dù đó là nơi biên giới hay là tại các khu cách ly, các khu điều trị - những nơi có mức độ lây nhiễm rất cao, nhưng báo chí đã có mặt rất kịp thời, thông tin chính xác và có sức lay động để toàn Đảng, toàn dân chung một ý chí vượt qua dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và đại diện các cơ quan báo chí bày tỏ cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ ngành đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động và phát triển. Báo chí đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn những hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Kiến nghị một số vấn đề tới Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, các đại biểu khẳng định thời gian tới, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo sẽ tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, tính nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Báo chí cách mạng góp phần quan trọng để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay