Sáng 31.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tổ chức tại TP.Đà Nẵng.
Khoa học - công nghệ

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

TTXVN 31/08/2024 10:04

Sáng 31.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tổ chức tại TP.Đà Nẵng.

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; các bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan trung ương, chủ tịch, lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại diện các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Chuyển đổi số là trọng tâm của việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi số diễn ra và liên quan tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Chuyển đổi số không chỉ của mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi người mà là vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân.

thu-tuong.jpg

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta, là công việc được đặc biệt quan tâm, thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, trên cả các trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ trung ương đến địa phương, thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông các bà, hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhiều bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn đánh giá, tư duy, nhận thức và hành động có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, thể chế số, hạ tầng số, hạ tầng điện, nền tảng số, ứng dụng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhân lực số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình…

Thủ tướng chỉ rõ các thách thức lớn về đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; kết nối, chia sẻ, đồng bộ hóa lượng lớn cơ sở dữ liệu, dịch vụ công do các bộ, ngành, địa phương quản lý trong tổng thể nền hành chính công quốc gia và giữa thông tin trong nước với khu vực, quốc tế; thể chế hóa, đảm bảo tính pháp lý và sử dụng rộng rãi các kết quả điện tử từ dịch vụ công trực tuyến…

Thủ tướng cũng cho rằng nguồn lực nhà nước có hạn, trong khi chuyển đổi số phải phát triển đồng thời các nền tảng quan trọng; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới; chuyển đổi số càng nhanh, người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến càng nhiều đòi hỏi bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin càng cao; đồng thời xây dựng và phát triển văn hóa số của người Việt Nam…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để hướng tới chuyển đổi số, thực hiện thủ tục hành chính 4 không: không giấy tờ, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không tiền mặt, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Bài liên quan
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến