Thủ tướng yêu cầu EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá... trong bối cảnh đơn vị này đang giữ vị trí "quán quân" về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác.
Ngày 21.6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tổ công tác đã truyền đạt một số ý kiến củaThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EVN cần lưu ý và làm rõ. Cụ thể về sản xuất và phân phối điện, Thủ tướng yêu cầu EVN phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện… EVN cần báo cáo các giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng cũng lưu ý EVN về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Cùng với đó là tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk, tình trạng ngập lụt tại Hà Tĩnh vào cuối năm 2016 diễn biến phức tạp, một số ý kiến đặt vấn đề về việc các thủy điện liên quan xả lũ.
Một vấn đề khác là việc đầu tư một số dự án thuộc Quy hoạch điện VII bị chậm so với dự kiến do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như thu xếp nguồn vốn khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng… EVN có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo về kết quả tái cơ cấu EVN. Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí "quán quân" về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh.
Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, Công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỉ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỉ USD.
"EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư", Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị.
Về giá điện, Thứ trưởng Bộ Công ThươngĐỗ Thắng Hải cho rằng EVN cần thực hiện minh bạch thông tin, vì người dân, các cấp ngành... vẫn còn băn khoăn về giá điện. Giá điện có thể tăng nhưng phải chỉ rõ được nguyên nhân tại sao.
Trong một tính toán của EVN gần đây,năm 2017, tổng chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỉ đồng.
Song, tập đoàn cũng đặt ra một loạt giải pháp để giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỉ đồng so với kế hoạch đầu năm. Theo phương án giảm gần 3.000 tỉ đồng trong chi phí sản xuất được EVN đưa ra thì ở đó vẫn còn một khoản 4.200 tỉ đồng biến động chi phí đầu vào đang đặt áp lực lên giá điện thời gian tới, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua.
Tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối tháng 4 vừa qua, ôngHuệ đã yêu cầu EVN phải cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 nội dung quan trọng của ngành điện là: Khung giá bán lẻ điện 2016-2020, cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017.
Tuyết Nhung