Với chiêu thay đổi hàm lượng, hình dáng viên thuốc, một số công ty dược đã trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện với giá cao ngất ngưởng.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, kết quả gói thầu mua sắm thuốc tại các cơ sở y tế trong năm 2015 có 25 thuốc chứa hàm lượng “lạ” với tổng số tiền trúng thầu hơn 482 tỉ đồng.
Bội chi quỹ BHYT
So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các thuốc này đều cao hơn dù cùng nhà sản xuất, nước sản xuất. Thậm chí, có loại thuốc giá cao hơn hẳn thuốc xuất xứ từ châu Âu - nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao.
Cụ thể, hoạt chất kháng sinh Cefalexin hàm lượng 750 mg và 1.000 mg có giá trúng thầu từ 2.100-2.700 đồng/viên, trong khi hàm lượng phổ thông 500 mg giá trúng thầu cao nhất là 945 đồng/viên. Glucosamin hàm lượng 625 mg trúng thầu giá cao nhất là 3.000 đồng/viên (hàm lượng phổ biến 500 mg chỉ 1.230 đồng/viên). Amoxicilin acid clavulanic (dạng bột pha tiêm) giá trúng thầu hàm lượng 500 mg + 100 mg, cao hơn giá phổ thông 2.000 đồng/lọ. Alpha chymotrypsin giá trúng thầu viên nang mềm là 850 đồng/viên (dạng viên nén chỉ 216 đồng/viên). Hoạt chất Alverin hàm lượng 50 mg trúng thầu giá 693 đồng/viên, cao gấp 2-5 lần dạng phổ thông 40 mg. Cefoperazon + sulbactam (dạng bột pha tiêm) hàm lượng 1,5 g + 0,75 g có giá trúng thầu từ 89.000-92.000 đồng/lọ, trong khi hàm lượng 1 g + 1 g chỉ từ 24.000-27.800 đồng/lọ (cao hơn 3 lần).
Hoạt chất Levofloxacin hàm lượng 750 mg và 150 ml có giá cao gấp 2 lần so với hàm lượng phổ thông nhưng vẫn thu hút rất nhiều bệnh viện (BV) mua. Thuốc kháng sinh Piracetam lọ 2 g/10 ml thông thường giá 6.700 đồng/lọ nhưng sản phẩm hàm lượng 4 g/10 ml được đẩy giá lên 26.000 đồng, tức hàm lượng gấp đôi nhưng giá gấp gần 4 lần. Hay loại thuốc phối hợp Ampicilin Sulbactam hàm lượng thông dụng là 1.000 mg + 500 mg có giá chưa tới 16.500 đồng/hộp. Thế nhưng cùng hoạt chất, dạng phối hợp, nhà sản xuất khi đổi hàm lượng sang mức 1.200 mg + 600 mg thì giá thành lên gần 55.000 đồng/hộp.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết có những loại thuốc thay vì khác biệt về hàm lượng thì thuốc trúng thầu lại khác về hình thức đóng gói. Chẳng hạn, viên thuốc thông thường là viên tròn hoặc viên con nhộng thì thuốc trúng thầu là viên hình ovan.
Theo BHXH Việt Nam, trong số 25 hoạt chất có hàm lượng “lạ”, hoạt chất Ceftazidim năm 2015 trúng thầu vào các BV với số tiền gần 105 tỉ đồng. Giá trúng thầu hoạt chất này hàm lượng 1,25 g và 1,5 g giá từ 50.000-63.000 đồng/lọ, trong khi hàm lượng phổ biến 1 g giá chỉ từ 12.000-27.720 đồng/lọ. Một hoạt chất khác trúng thầu hơn 72,7 tỉ đồng là Ceftizoxim. Với hàm lượng 2 g, hoạt chất này trúng thầu giá ngất ngưởng 82.530-94.000 đồng/lọ nhưng hàm lượng phổ thông 1 g chỉ 25.200-36.900 đồng/lọ… Chỉ khảo sát riêng 1 BV, BHXH Việt Nam nhận thấy chi phí do các thuốc hàm lượng “lạ” đã chênh lệch tới gần 3 tỉ đồng so với hàm lượng thông thường. Đây là một trong những nguyên nhân làm quỹ BHYT của BV này bội chi.
Người bệnh chịu thiệt
Trước tình trạng nhiều thuốc hàm lượng “lạ” trúng thầu với giá cao vào BV, năm 2015, BHXH Việt Nam đã phải ký văn bản tạm ngưng thanh toán BHYT đối với các thuốc “lạ” trúng thầu. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định những sản phẩm thuốc thông dụng thường có hàm lượng 250 mg, 500 mg và 1.000 mg nhưng qua kiểm tra, cơ quan bảo hiểm phát hiện nhiều loại thuốc trúng thầu tại các BV lại có hàm lượng 350 mg và 750 mg với giá cao hơn bình thường. Mặt khác, giá các loại thuốc này cũng cao hơn so với sản phẩm BHXH quy định ít nhất 50% giá, có sản phẩm cao gấp 2-3 lần. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng việc dùng thuốc với hàm lượng cao không tương ứng với liều lượng dùng một lần của thuốc thông thường sẽ khiến bác sĩ rất khó kê toa.
Về thuốc có hàm lượng “lạ”, giá cao, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng các thuốc này đã được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, được lãnh đạo của cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị thì đương nhiên được cạnh tranh đấu thầu. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc có cơ quan BHXH tham gia. Do vậy, BHXH Việt Nam nếu không thanh toán cũng phải nêu lý do thỏa đáng. Tuy nhiên, nên rà soát lại giá trúng thầu của các thuốc có hàm lượng “lạ” này đã hợp lý hay chưa.
“Không thể cấm các nhà sản xuất cung ứng các hàm lượng, quy cách đóng gói thuốc mới nhưng các thuốc hàm lượng khác sẽ khó chia liều hơn trong điều trị. Nếu giá thành thuốc “lạ” lại cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường, rõ ràng bất lợi cho người bệnh và Quỹ BHYT” - TS Tuấn nhận định.
Đại diện một doanh nghiệp dược khẳng định với hàm lượng không giống ai nhưng lại đáp ứng điều kiện của bên mua, nhà cung cấp đó chắc chắn sẽ có lợi thế trong khi tham gia đấu thầu, nếu không nói thẳng ra đó chính là chiêu chỉ định thầu.
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, chưa nói đến chất lượng, việc xuất hiện các thuốc có hàm lượng bất thường đã tạo một cơ chế khác thường trong đấu thầu. Hàm lượng thuốc bao giờ cũng phải là ước số của liều, chẳng hạn ngày uống 2 viên 250 mg nhưng hàm lượng là 275 mg thì chia liều như thế nào. Nhiều bác sĩ điều trị cũng cho biết thế giới nghiên cứu rất nhiều để có liều tối ưu cho bệnh nhân. Nếu thuốc có hàm lượng bất thường thì việc chia liều sẽ khó cho cả bệnh nhân và thầy thuốc, thậm chí làm giảm hiệu quả điều trị.
Ưu ái bất thường?
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, đơn vị trúng thầu có những chứng cứ cho thấy sản phẩm có hàm lượng, dạng bào chế “lạ” trúng thầu là dựa trên nhu cầu sử dụng thuốc của các BV trình lên. Tuy nhiên, hàm lượng chỉ cao hơn một ít và khác với thông thường đôi chút mà giá lại cao gấp 2-3 lần.
“Có những cơ sở y tế bị nhắc nhiều lần, yêu cầu kiểm soát nhiều mà vẫn trúng thầu số lượng lớn vào BV. Như vậy, chúng tôi phải đặt câu hỏi liệu có sự ưu ái và có khi là cả sự bất chấp vì lợi ích của ai đó có quyền để cho sản phẩm hàm lượng “lạ” trúng thầu?” - một lãnh đạo cơ quan bảo hiểm đặt vấn đề.