Dạo một vòng các gian hàng ở tầng hầm và tầng 1 Trung tâm An Đông, đa số người bán đều trong cảnh ngồi chơi xơi nước. Thoạt nhìn thì gười ra, kẻ vào không ít nhưng phần đông chỉ đến xem hoặc là khách du lịch dạo qua.
Chợ An Đông thành lập từ năm 1954, bán đủ các mặt hàng nhưng nổi bật nhất vẫn là các mặt hàng vải, giày dép và đồ trang sức. Hiện chợ có xấp xỉ 4.000 tiểu thương đang kinh doanh gần 1.700 sạp với doanh số luân chuyển hàng hóa khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.
Công ty Tư doanh Xây dựng Việt Hoa (Việt Hoa) là đơn vị đầu tư 100% vốn để đền bù, giải tỏa xây dựng toàn bộ Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông (Trung tâm An Đông). Khi Trung tâm An Đông chính thức hoạt động ngày 27.11.1990, Công ty Việt Hoa được giao quyền chủ động điều hành, sang nhượng toàn bộ các sạp trong vòng 20 năm.
Qua gần 25 năm hoạt động, lượng khách mỗi năm mỗi giảm, khiến gương mặt người bán nơi đây lộ rõ vẻ buồn rầu, lo lắng.
Dạo một vòng các gian hàng ở tầng hầm và tầng 1, đa số người bán đều trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước”. Thực tế, người ra, kẻ vào không ít nhưng phần đông chỉ đến xem hoặc là khách du lịch.
Theo chị Đặng Kim Yến, chủ một gian hàng bán trang sức lâu năm, người mua trong 3, 4 năm nay sụt giảm hẳn so với trước, doanh thu chỉ bằng phân nửa. Kinh tế khó khăn nên những người đến mua tính toán cũng khá chi li.
“Mặt tiền sảnh thì cũ kỹ, đường điện nước chắp nối lung tung, xung quanh chợ thì bầy hầy, bày bán vỉa hè tạp nham. Chúng tôi bán còn thấy chán hỏi sao khách hàng dám quay lại” - chị Yến lý giải thêm về nguyên nhân khiến Trung tâm An Đông ngày một vắng khách.
Khi được hỏi tại sao vắng khách như vậy mà tiểu thương tại Trung tâm vẫn tiếp tục “bám trụ”, một tiểu thương giấu tên, chia sẻ: “Tiểu thương chợ An Đông đa số đã gắn bó mấy chục năm nên ai cũng thương nơi này. Vả lại tuy doanh thu bán lẻ giảm nhiều nhưng nhờ khách quen mua sỉ nên chúng tôi vẫn còn duy trì được. Tuy nhiên, nếu tình hình này không sớm cải thiện, chúng tôi chắc phải bỏ chợ mà đi”.
Mặt sau Trung tâm An Đông hiện nay.
Khi được thông tin Việt Hoa mong muốn tái đầu tư tu bổ Trung tâm An Đông, các tiểu thương đều rất phấn khởi. Thậm chí, khi biết công ty đang gặp khó khăn để được cấp phép tu bổ, các tiểu thương đã đồng lòng viết đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền từ đầu năm 2014. Thế nhưng, đến nay mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết.
Tiếp xúc với ông Lô Ky Ngươn, Giám đốc Công ty Việt Hoa, được biết, khi nhận được kiến nghị của các tiểu thương, là đơn vị gắn bó từ đầu với Trung tâm An Đông, Việt Hoa cũng đã nhiều lần nộp đề án tái đầu tư Trung tâm An Đông lên UBND Q.5 để xin sửa chữa nhiều hạng mục với tổng vốn đầu tư trên 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, UBND Q.5 vẫn chưa có động thái ủng hộ.
“Chúng tôi năm lần bảy lượt xin được đầu tư tiếp vào An Đông lẫn gia hạn hợp đồng quản lý tại đây nhưng các cấp chính quyền đều từ chối” - ông Ngươn buồn bã.
Theo ĐSTD