Hãng tin Reuters cho biết kể từ lúc xung đột Israel - Hamas nổ ra cho đến nay, nhóm Houthi đã tập kích hơn 29 tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại.
Hồ sơ

Toàn cảnh hoạt động tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ của Houthi

Cẩm Bình 04/02/2024 16:27

Hãng tin Reuters cho biết kể từ lúc xung đột Israel - Hamas nổ ra cho đến nay, nhóm Houthi đã tập kích hơn 29 tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại.

Vụ tập kích đầu tiên diễn ra vào ngày 19.11.2023, chiến binh Houthi dùng trực thăng đổ bộ lên chiếc Galaxy Leader đang ở khu vực phía nam Biển Đỏ, buộc tàu chuyển hướng tới cảng Hodeidah tại Yemen và bắt giữ thủy thủ đoàn (đến nay chưa thả). Sau đó thêm 29 tàu trở thành mục tiêu, trong đó 13 chiếc bị tên lửa hoặc UAV tấn công trực tiếp.

Hoạt động tập kích gây gián đoạn giao thương toàn cầu. Houthi hiện vẫn không ngừng, bất chấp Mỹ cùng đồng minh oanh tạc hàng loạt hạ tầng quân sự của nhóm trên lãnh thổ Yemen.

Tóm lược tình hình

Địa điểm Houthi tiến hành tập kích là phía nam Biển Đỏ và vịnh Aden nối liền bởi eo biển Bab al-Mandab. Trong tiếng Ả Rập, Bab al-Mandab có nghĩa “cánh cổng nước mắt”, ngụ ý về sự nguy hiểm khi di chuyển qua. Tuyến hàng hải hẹp này nằm giữa Djibouti cùng Eritrea ở bờ biển phía đông châu Phi và phía tây Yemen, nơi Houthi nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực.

Bab al-Mandab là cầu nối chiến lược giữa Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương: hàng hóa từ vùng Vịnh lẫn châu Á sang các thị trường phương Tây phải qua đây trước khi vào kênh đào Suez. Tuy nhiên điểm hẹp nhất của eo biển chỉ rộng chưa tới 30km nên tàu hàng qua lại thường chịu cảnh tắc nghẽn.

toan1.jpg
Khu vực Houthi tập trung tập kích - Ảnh: Reuters

Houthi từng tuyên bố sẽ tiếp tục tàu kích tàu hàng cho đến khi Israel ngừng bao vây Dải Gaza. Israel lại quyết giải cứu được tất cả con tin và xóa sổ nhóm Hamas thì mới chấm dứt chiến dịch quân sự tại Gaza.

Reuters qua phân tích ghi nhận số vụ tập kích bằng UAV hoặc tên lửa do Houthi thực hiện tăng mạnh kể từ lúc xung đột Israel - Hamas nổ ra. Hoạt động tiếp diễn trong thời gian qua bất chấp Mỹ cùng đồng minh đáp trả bằng vũ lực bắt đầu từ ngày 11.1, nhưng ở tuần này cường độ tập kích sụt giảm khi phương Tây đẩy mạnh đánh chặn tên lửa cùng UAV.

Chưa rõ các đợt tấn công đáp trả làm suy yếu sức mạnh quân sự của Houthi đến mức nào. Nhà phân tích Fabian Hinz (Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế) nhận định không thể xử lý triệt để toàn bộ vũ khí của nhóm này.

Houthi chủ yếu nhắm vào tàu container hoặc tàu chở hàng khô. Tuy nhiên vào ngày 26.1, tàu chở dầu Marlin Luanda do Công ty thương mại Trafigura bốc cháy do trúng tên lửa chống hạm. Mặc dù thủy thủ đoàn đều an toàn, đây vẫn là vụ tập kích gây thiệt hại nặng nhất cho đến nay.

Theo tổ chức phân tích dữ liệu Kpler: “Vụ tập kích gần đây nhắm vào Marlin Luanda cho thấy rõ rủi ro ngày càng tăng với tàu hàng cũng như nguy cơ cuộc khủng hoảng hiện tại ảnh hưởng đến thị trường vận tải và hàng hóa trong tương lai gần”.

toan.jpg
Tàu chở dầu Marlin Luanda bốc cháy - Ảnh: Reuters

Houthi dùng vũ khí gì tập kích tàu hàng?

Quân đội các nước phương Tây và công ty vận tải biển cung cấp rất ít thông tin về vũ khí Houthi sử dụng để tập kích tàu hàng.

Ngày 29.11 năm ngoái, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết khu trục hạm USS Carney bắn hạ UAV KAS-04 do Iran sản xuất. KAS-04 còn có tên gọi khác là Samad, gồm 3 phiên bản với tầm hoạt động 500 - 1.700km, mang được đầu đạn 18kg.

Diễn đàn Hàng hải quốc tế của các công ty dầu mỏ (OCIMF) thì lại xác định Shahed-136 là vũ khí Houthi dùng tập kích phổ biến nhất. Máy bay này có thể được phóng từ thùng chứa gắn trên xe tải, dựa vào tín hiệu định vị thậm chí cảm biến kết nối mạng vệ tinh thương mại để tìm đến mục tiêu.

Theo ảnh chụp Shahed-136 đánh trúng tàu chở dầu MV Pacific Zircon ngoài khơi Oman công bố tháng 11.2020, máy bay sở hữu thiết bị thu tín hiệu vệ tinh cho phép dẫn đường theo thời gian thực. Như vậy Houthi hoàn toàn có thể thay đổi tọa độ mục tiêu trong lúc UAV đang bay.

Shahed-136 sau khi vượt qua chướng ngại vật có thể bay thấp tránh radar. Thiết kế cánh tam giác cũng giúp tăng khả năng “tàng hình”.

Chuyên gia Taimur Khan (Tổ chức nghiên cứu vũ khí trong xung đột) cho biết ở nội chiến Yemen trước đây UAV của Houthi dùng GPS tìm đến mục tiêu, nhưng để tấn công mục tiêu di chuyển như tàu hàng thì nhóm cần sở hữu năng lực định vị đầu cuối.

Giới chuyên gia quân sự xác định nhóm Hezbollah hỗ trợ Houthi xây dựng năng lực quân sự. Theo cựu quan chức tình báo Israel Eyal Pinko, nhờ Hezbollah giúp đỡ mà Houthi thiết lập được 7 căn cứ hải quân cùng 30 trạm kiểm soát dọc bờ biển Yemen có ra đa và giám sát quang điện phục vụ hoạt động phóng tên lửa. Hệ thống theo dõi tàu AIS cộng thêm tin tình báo từ Iran cũng giúp ích rất nhiều.

Ông Pinko lưu ý mìn nổi Sadaf do Iran sản xuất cũng vô cùng đáng ngại nếu Houthi sử dụng chúng ở Biển Đỏ. Kinh nghiệm từ cuộc chiến Ukraine cho thấy loại vũ khí này ảnh hưởng hoạt động giao thương lớn như thế nào.

toan2.jpg
Các loại UAV Houthi sử dụng - Ảnh: Reuters

Phương Tây đáp trả

Ngày 11.1, Mỹ cùng Anh oanh tạc hàng loạt mục tiêu Houthi ở gần 30 địa điểm trên lãnh thổ Yemen. Sau đó hoạt động đáp trả kéo dài sang tháng 2. Mục tiêu họ nhắm đến là tên lửa chống hạm phóng từ đất liền, hệ thống ra đa ven biển, thiết bị giám sát trên không, kho vũ khí.

Nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy một số công trình dọc bờ biển Yemen giáp phía nam Biển Đỏ bị phá hủy hoặc hư hại. Reuters chưa thể xác định đây là công trình gì, có phải mục tiêu oanh tạc của phương Tây hay không.

CENTCOM còn từng tuyên bố Mỹ đánh trúng tên lửa Houthi ngay trước lúc nó chuẩn bị được phóng đi. Nhà phân tích Hinz nhận xét đây là nhiệm vụ khó đòi hỏi thông tin tình báo chính xác.

Giao thương toàn cầu gián đoạn

Do Biển Đỏ không an toàn nên các công ty vận tải phải chuyển sang sử dụng tuyến hàng hải vòng qua mũi Hảo Vọng, khiến hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và bờ đông Bắc Mỹ mất nhiều thời gian hơn, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm, hiện tượng thiếu container rỗng xảy ra cục bộ.

Theo phân tích do đơn vị project44 thực hiện, từ tháng 12 năm ngoái đến ngày 30.1 năm nay đã có 373 tàu container đổi lộ trình. Số lượng tàu qua kênh đào Suez giảm khoảng 65%.

Tổng thư ký Liên đoàn Lao động vận tải quốc tế Stephen Cotton cho biết giới thủy thủ khá lo lắng vì nhiều tàu hàng bị tập kích. Họ thấy an tâm hơn khi di chuyển vòng qua mũi Hảo Vọng - phương án khiến mỗi chuyến hàng khứ hồi từ châu Á đến Bắc Âu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu.

Lo ngại về về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông sau vụ tập kích mới nhất ở Biển Đỏ đẩy giá dầu ở phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 lên cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn cảnh hoạt động tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ của Houthi