Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến văn hóa, nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.
Văn hóa

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mong mỏi chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam

TTXVN 21/07/2024 07:10

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến văn hóa, nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

van-hoa1.jpg
Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - Ảnh: TTXVN

Sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến văn hóa, nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc”, “văn hoá còn thì dân tộc còn”, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”…

Tổng bí thư cũng hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa, đời sống văn nghệ sĩ để ngành văn hóa “có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới” như trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”

Mới đây, ngành văn hóa có thêm một cẩm nang cho công tác phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đó là cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn, bởi đây không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội.

van-hoa2.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại lễ ra mắt sách ngày 21.6.2024 - Ảnh: Phương Hoa

“Cuốn sách có nhiều nội dung quý về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Với cuốn cẩm nang này, những người làm văn hóa cũng ý thức được trách nhiệm quán triệt sâu sắc, chuyển tải, cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư để những nội dung cốt lõi của cuốn sách được lan tỏa, thấm sâu vào tâm thức của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, biến nhận thức thành hành động cụ thể, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

nguyentheky.jpg
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - Ảnh: TTXVN

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cộng sự của mình xây dựng một hệ thống lý luận chính trị để dẫn dắt nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa.

“Mỗi khi đất nước đứng trước một thời cơ mới, vận hội mới, cùng những thử thách mới thì Tổng bí thư lại khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta phải ‘xốc’ lại văn hóa, để ‘văn hóa soi đường cho quốc dân đi’, để văn hóa đưa dân tộc tiến về phía trước”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ phân tích, nếu không có “văn hóa soi đường” như Bác Hồ đã nêu thì cách mạng dân tộc có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí chúng ta có thể đánh mất bản sắc, bản lĩnh dân tộc. Do đó, Tổng bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (năm 1946).

Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng bí thư đã đề cập đến rất nhiều vấn đề như chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., trong đó Tổng bí thư nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa.

“Tổng bí thư khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, là một định hướng căn bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một quan điểm rất sâu sắc”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Về quan điểm xây dựng văn hóa, Tổng bí thư nêu rõ nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ nhân văn. Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, đó là quan điểm chỉ đạo đúng đắn, có sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước và tiếp thu những thành tựu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Ông Kỷ khẳng định những quan điểm đó được đưa ra một cách nhất quán trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây.

“Đặc biệt, cuốn sách không chỉ có hệ thống cơ sở lý luận mà còn tập hợp những bài viết sâu sắc, có tính thực tiễn cao, những câu chuyện cảm động, thể hiện tầm vóc văn hóa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Kỷ nhận định.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cho rằng tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng và thực sự cấp bách đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong thời đại này.

“Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là con đường duy nhất để dân tộc Việt Nam giữ được độc lập, tự do của mình, để dân tộc Việt Nam làm ra những giá trị cho nhân loại, để con người Việt Nam sống có giấc mơ làm người chân chính và luôn hành động cho giấc mơ kỳ vĩ đó, để đất nước Việt Nam có quyền kiêu hãnh trước mọi quốc gia”, ông Thiều nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng bí thư thấu hiểu một cách sâu sắc sứ mệnh của văn hoá đối với một dân tộc, thể hiện qua câu nói: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

van-hoa4.jpg
Cuốn sách được đánh giá là tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa cấp bách trong bối cảnh hiện nay - Ảnh: Phương Hoa

Dành sự tin yêu cho văn nghệ sĩ

Dành nhiều tâm tư cho văn hóa nước nhà, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại.

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc (Sân khấu Lệ Ngọc) cho hay Tổng bí thư luôn quan tâm thăm hỏi đời sống của văn nghệ sĩ, luôn tin yêu giới văn nghệ sĩ.

Bà Lệ Ngọc vẫn nhớ kỷ niệm khi tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, được gặp gỡ thân tình với Tổng bí thư và trao đổi với Tổng bí thư về sự thấm nhuần tư tưởng, sự lan tỏa đạo đức và sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà.

“Tổng bí thư nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Chúng tôi ghi nhớ điều đó và luôn lấy lời dạy của Tổng bí thư làm kim chỉ nam cho hoạt động nghệ thuật của mình, hết lòng phục vụ nhân dân, thấm nhuần lời dặn dò của Tổng bí thư để xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng”, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc bày tỏ.

Mới đây, bộ phim tài liệu “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” đã hoàn thành, mang đến những thước phim quý về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của nhà lãnh đạo mẫu mực, tôn vinh những cống hiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta.

van-hoa5.jpg
Cảnh trong bộ phim tài liệu “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực”

Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Thái Huyền, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, đồng đạo diễn bộ phim cho biết việc thực hiện bộ phim là niềm vinh dự lớn lao, song cũng là áp lực không hề nhỏ của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đoàn làm phim đã nỗ lực để hoàn thành tác phẩm chỉn chu nhất, nhằm phác họa chân dung toàn diện, khách quan nhất về Tổng bí thư trong quá trình công tác và lãnh đạo Đảng ta.

“Sinh thời, Tổng bí thư khẳng định rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn kỳ vọng và mong muốn đội ngũ văn nghệ sỹ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay”, đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ.

Những lời nhắn nhủ của Tổng bí thư trong các hội nghị bàn về vấn đề văn hóa là điều mà mỗi văn nghệ sỹ trong đó có chị Đặng Thái Huyền luôn nằm lòng và tự nhắc nhở mình.

“Điện ảnh Quân đội thời gian tới triển khai rất nhiều dự án phim nhằm hướng tới những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Chúng tôi đã và luôn ghi nhớ lời của Tổng bí thư để thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ-nghệ sĩ trong tình hình mới”, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mong mỏi chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam