Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã bày tỏ mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, HĐND TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gửi đến chương trình.

TP.HCM cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong

Tú Viên | 31/08/2022, 11:51

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã bày tỏ mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, HĐND TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gửi đến chương trình.

Ngày 31.8, HĐND TP.HCM tổ chức hội nghị tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp TP năm 2022. Tại hội nghị, gần 30 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng TP cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong có thể làm TP chậm lại trong quá trình tăng trưởng. Thách thức từ bên ngoài có thể kể đến như: Dịch bệnh diễn biến khó lường; bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả tăng; người tiêu dùng toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu; bất ổn kinh tế thế giới; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững; chiếc áo về cơ chế dành cho TP.HCM còn quá chật so với nhu cầu phát triển...

tp-hcm-ruc-ro-ve-dem-anh-hoang-trieu-4-15775262530931728274679.jpeg

Ngày 31.8, lãnh đạo TP.HCM đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh: PV

Về trở lực bên trong, theo ông Trường, là tốc độ giải ngân chậm; cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp; triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã được ban hành nhưng vẫn còn chậm…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ TP mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục kinh doanh. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, HĐND TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gởi đến chương trình. Trong đó, tập trung những vấn đề nóng mà TP đang nỗ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất. Cụ thể:

Về thủ tục hành chính: Doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí; đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy.

Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực - lao động việc làm: Doanh nghiệp cho rằng có tình trạng nguồn lao động khan hiếm, thiếu nhóm lao động công nhân kỹ thuật có tay nghề, kể cả lao động phổ thông, trung cấp tuyển dụng rất khó khăn; cần có chính sách thu hút lao động phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lục và tạo thêm các kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm; tăng nguồn cung lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động.

Về chính sách tài chính - tín dụng - thuế - phí: Doanh nghiệp đề xuất cần tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, TP cần đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp...

Về đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng: Doanh nghiệp mong muốn TP cần đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả...

Về kết nối doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương: Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau dịch COVID-19; hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của TP; công tác phối hợp tổ chức thực hiện chính sách cần phải đồng bộ minh bạch, chi tiết và thông suốt...

Cùng với đó, TP tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phát triển. Hiện TP.HCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện mới. Trong đó, chiến lược được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), TP.HCM sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Giai đoạn 2 từ năm 2023-2025, TP sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11; giải quyết các điểm nghẽn để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP.

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong