TP.HCM sẽ mở rộng diện tích các bến hiện hữu phù hợp quy hoạch chức năng bến bãi, phát triển thành các điểm dừng chân, dịch vụ đô thị, du lịch ven sông.

TP.HCM đầu tư loạt bến mới, mở bung giao thông thủy

28/09/2020, 10:17

TP.HCM sẽ mở rộng diện tích các bến hiện hữu phù hợp quy hoạch chức năng bến bãi, phát triển thành các điểm dừng chân, dịch vụ đô thị, du lịch ven sông.

TP.HCM đầu tư nhiều bến thủy nội địa mới - Ảnh: Phan Diệu

Ngày 28.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) đầu tư xây dựng 11 bến thủy nội địa, trong đó có 6 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1.

Cụ thể, 6 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1 gồm: Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (quận Thủ Đức). Còn 5 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 2 gồm: cầu Chữ Y (quận 5), Bình Tây, Lò Gốm (quận 6), Bình Đông, chùa Long Hoa (quận 8).

Sở GTVT cũng được giao tiếp tục thống nhất vị trí, diện tích, pháp lý đối với 7 bến còn lại; trong đó có 2 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1. Đó là bến Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh), bến trung tâm Bình Triệu (quận Thủ Đức); 5 bến phục vụ tuyến buýt đường thủy số 2 gồm: Nguyễn Thái Bình, Calmette (quận 1), chợ Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương (quận 5), Khánh Hội (quận 4).

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT đề xuất vị trí mới thay thế vị trí các bến không còn phù hợp; mở rộng diện tích các bến hiện hữu phù hợp quy hoạch chức năng bến bãi, phát triển thành các điểm dừng chân, dịch vụ đô thị, du lịch ven sông. Song song đó là bổ sung bến trung tâm của tuyến số 2 tại quận 4 để thay thế cho phần diện tích đã giảm của bến Nguyễn Tri Phương do ảnh hưởng bởi nhánh cầu dẫn Nguyễn Tri Phương.

UBND các quận được giao rà soát quy hoạch các bến thuộc địa bàn; lấy ý kiến của Sở Xây dựng đối với các bến có quy hoạch xây dựng hiện hữu là đất công viên, cây xanh. Qua đó, các quận đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các bến này để đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa.

Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý và hiện trạng các khu đất dự kiến xây dựng các bến thủy nội địa; phân loại từng khu đất theo 2 trường hợp: giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai hoặc sắp xếp, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ.

Theo đánh giá của Sở GTVT, TP.HCM có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống sông ngòi với 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, bao gồm tuyến đường thủy nội địa, tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 975 km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa rải khắp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tận dụng các đường sông, kênh, rạch này để giảm tải giao thông đường bộ, phát triển du lịch còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa so với việc đầu tư toàn ngành giao thông vận tải là chưa cao. Tại TP.HCM, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy năm 2019 chiếm 34,6% so với vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư cho đường thủy trong 5 năm gần đây chỉ đạt 5,4% so với đầu tư xây dựng mạng lưới đường bộ. Trong đó, tổng số vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông đường thủy chỉ có 1.488 tỉ đồng.

Theo định hướng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa giai đoạn 2030-2050, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư 3 tuyến kết nối khu đông thành phố tới cảng Cát Lái (quận 2), 4 tuyến từ nội thành kết nối đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và 2 tuyến vành đai.

Ngoài ra, TP.HCM còn tập trung phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch. Hệ thống cảng, bến sẽ xây dựng theo quy hoạch, đồng thời hoàn chỉnh các cảng cạn để tăng khả năng trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, chế xuất... đến cảng biển. Đến năm 2045, hệ thống kè bờ sông Sài Gòn cùng các sông, kênh nội thành cũng sẽ được đầu tư để cơ bản hoàn thành.

Với những tính toán đó, giai đoạn 2020-2050 TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ đồng cho giao thông thủy. TP.HCM sẽ sử dụng khoảng 4.100 tỉ đồng đầu tư cho các dự án cảng, luồng tuyến. Đặc biệt, vốn cho duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy được tính khoảng 570 tỉ đồng mỗi năm, tức trong 30 năm cần 17.100 tỉ đồng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đầu tư loạt bến mới, mở bung giao thông thủy