Để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết Ất Tỵ 2025, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1; riêng một số hệ thống cửa hàng hoạt động xuyên suốt Tết.
Thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào chiều 16.1, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM), cho biết để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Các hệ thống này kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm tết…
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1; riêng một số hệ thống cửa hàng hoạt động xuyên suốt Tết.
Đối với giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường, ông Hùng cho biết luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 0,5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình bình ổn thị trường không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Ngoài ra, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm tết sớm, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Theo ông Hùng, năm nay là năm đầu tiên TP.HCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Wincommerce, Central Retail, AEON, MM Mega Market, Lotte, Kingfood market…
Trước tình hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết như vật dụng trang trí, lương thực, thực phẩm, bánh, kẹo… Sở Công Thương đã triển khai một số giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
“Dự báo tình hình giá cả thị trường Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn TP tương đối ổn định, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ”, ông Hùng nói.
Trước đó, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…