Trần Khánh Dư là nhân vật lịch sử đầy tranh cãi. Chiến công và tài năng không ít nhưng bê bối đời tư và những tai tiếng thì cũng rất nhiều. Giữa chính sử và dã sử có cái nhìn rất khác về nhân vật này.

Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?

17/05/2018, 08:26

Trần Khánh Dư là nhân vật lịch sử đầy tranh cãi. Chiến công và tài năng không ít nhưng bê bối đời tư và những tai tiếng thì cũng rất nhiều. Giữa chính sử và dã sử có cái nhìn rất khác về nhân vật này.

Đền thờ Trần Khánh Dư - Ảnh: Thanh Niên

Tài năng quân sự của Trần Khánh Dư được thể hiện rõ trong việc viết lời tựa cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư và đặc biệt là qua chiến công để đời tại Vân Đồn: tiêu diệt toàn bộ quân lương của giặc Nguyên.

Nhưng những tai tiếng của Trần Khánh Dư bị sử sách lưu danh không ít. Ngoài bê bối chuyện tình cảm với công chúa Thiên Thụy thì Trần Khánh Dư còn bị mang cái tiếng là tham quan. Có hai sự việc được chính sử chép lại khiến tên tuổi của Trần Khánh Dư không được lung linh trong mắt hậu thế như các tướng cùng thời.

Trước hết là phát ngôn. Năm 1296 khi bị dân kiện về tội “ tham lam, thô bỉ”, Trần Khánh Dư về kinh thành chầu vua Ạnh Tông. Sử chép Trần Khánh Dư nhân đó tâu với vua về đạo nuôi quân, mà rộng hơn là đạo trị quốc rằng: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".

Rồi Đại Việt Sử ký Toàn thư có viết lại một chuyện, khi Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh:"Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái tất phải phạt".

Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang:"Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu".

Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc câu: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Trần Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.

Ngày nay, có những quan điểm hiện đại nhìn thoáng hơn trong cách hành xử của Trần Khánh Dư. Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào một hai sự việc để đánh giá Trần Khánh Dư thì việc đó là vội vàng và chưa toàn diện. Nếu quả thực Trần Khánh Dư coi dân chỉ là vịt và tìm cách bóc lột dân thì chắc ông không được hậu thế thờ cúng nhiều.

Bên cạnh những việc bồng bột thời trẻ bị sử sách chê thì càng về sau, Trần Khánh Dư càng làm những điều gia ân với dân chúng, đáng được ngưỡng mộ. Có nhiều tài liệu chép năm 1323, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam).

Một lần, ông đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), qua vùng đất thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, ông bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Dần dần, người kéo đến làm ăn ngày càng đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Sau đó, dân các vùng khác tiếp tục đến, lập thêm trại Động Khê và trại Tịch Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, huyện Ý Yên (Nam Định).

Ông ở lại những nơi mới khai phá này 10 năm. Sau đó, ông trở về ấp Dưỡng Hòa cũ và giao lại các trại mới lập cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc. Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn dân trại Tịnh Nhi trồng cây cói và làm nghề dệt cói.

Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở, để ghi tạc công đức của ông. Trong đền có bức đại tự: "Ẩm hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn).

Theo tương truyền được ghi trong cuốn Bách thần đất Việt tập 9 của nhà nghiên cứu Vũ Thanh Sơn, Dưỡng Hòa là nơi Trần Khánh Dư đóng quân sau khi đánh Chiêm Thành. Dưỡng Hòa cũng là nơi mà vua Trần ban cho Trần Khánh Dư làm thái ấp. Đây cũng là nơi Khánh Dư chiêu dân khai hoang lập nên 4 làng Đông, Nhì Tam, Tứ. Xưa bốn làng đều là người họ Trần vì đều là người theo Trần Khánh Dư về đây chiêu dân lập ấp.

Tạp chí Xưa và Nay số 230 tháng 7.2005, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò có ghi chép kỹ hơn về truyền thuyết Trần Khánh Dư ở ấp Dưỡng Hòa. Theo đó, thì sau khi đất nước sạch bóng quân thù, Trần Khánh Dư đã về ở đây, bấy giờ vùng này còn là rừng rậm nhưng bằng phẳng. Trần Khánh Dư đã cho đào sâu bốn xung quanh xuống để thả cá, vượt đất lên cho dân ở. Đầm rộng 300 thước (120m) sâu 10 thước (4m), nay nhiều chỗ đã thành ruộng lúa. Toàn bộ khu đất này rộng 1.399 mẫu 2 sào (502 ha) “thắt núm cà, sa đít rện” (Nghĩa là phía trên thắt lại hình núm cà, chí có một đường vào ở phía bắc, phía dưới phình ra như đít con nhện). Trần Khánh Dư ở giữa, phía bên đông là kho lúa nay còn có tên là vườn Kho. Bốn làng do ông chiêu dân lập ấp ở hai bên đông-tây song song với nhau… Phía đông có làng Đông còn gọi là Nhất Bát Đông và làng Nhì, phía tây có làng Tam và làng Tứ. Làng Tam trước kia ở chỗ chợ Đại bây giờ.

Ở ấp Dưỡng Hòa hằng ngày Trần Khánh Dư thường đi thuyền dạo chơi xung quanh ấp. Ở bốn làng ông cho làm 4 chòi gác, ở phía tây bắc thôn Tứ có chòi gác ở đình Ông, thôn Tam có chòi gác đền Bà Nhà, ở phía đông thôn Đông có chòi gác ở miếu Đông, thôn Nhì có chòi gác ở vườn Kho đầu làng.

Trần Khánh Dư ở trong ấp, còn quân lính đóng ở ngoài. Quân của ông đóng ở làng Tứ, làng Phố (tức làng Ninh Lão Trung) bên cạnh đường Thiên Lý xưa. Ai muốn vào ấp Dưỡng Hòa phải đợi ở đấy rồi có người chèo thuyền đưa sang chứ không có đường đi.

Ấp Dưỡng Hòa đang được xây dựng thì Trần Khánh Dư được vua Trần gọi về triều và giữ ông ở đấy. Ruộng đất ở ấp Dưỡng Hòa ông để lại cho dân làng. Cũng có truyền thuyết cho rằng Trần Khánh Dư ở ấp Dưỡng Hòa lúc tuổi già và mất ở đây. Nhân dân thương tiếc chôn cất ông ở sau chỗ ông ở, gọi là Mả Vua. Đến thời nhà Minh xâm lược, quân giặc đến đây giết người họ Trần, khai quật mồ mả của Trần Khánh Dư, nhân dân phải cải ra họ khác. Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, ấp Dưỡng Hòa được xây dựng lại. Hiện nay chỉ có thôn Tứ là nhiều họ Trần.

Ruộng đất ở ấp Dưỡng Hòa do Trần Khánh Dư để lại cho dân làng, cho nên trước 1945 đa số là công điền. Hằng năm trước đây, bốn làng ở xã Dưỡng Hòa đều có lệ chia công điền. Cứ đến ngày mồng một tết nguyên đán hay một ngày đẹp trời đầu năm mới, dân làng tổ chức chia công điền cho những chàng trai đến tuổi thành niên. Tưởng nhớ ông, hằng năm cứ đến ngày 24 tháng giêng, tương truyền là ngày ông mất, các làng lại vào đám, đồ tế là bánh dày và chè kho, vì ông đi tu, ăn chay.

Ở đây chúng ta có thể thấy độ vênh rất lớn trong cách nhìn nhận Trần Khánh Dư giữa chính sử và dã sử. Nếu chính sử chê trách Khánh Dư là kẻ tham quan, coi thường mạng dân lính thì dã sử lại ghi nhận ông như người dốc lòng vì dân lập nghiệp.

Trong nghiên cứu, chính sử thường được tin cậy hơn nhưng không phải lúc nào cũng đúng vì có thể trong bối cảnh nhất định và chịu sự thiên kiến nào đó mà sử gia có cách nhìn nhận hẹp hòi. Còn dã sử là do nhân dân viết, tuy không phải luôn chính xác hay toát lên vẻ hàn lâm nhưng thái độ của nhân dân thì luôn công bằng. Trong bài trước, chúng tôi cũng nêu những bất cập của chính sử khi nói về Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung mà phải sau này mới sáng tỏ được.

Ấn tượng về Trần Khánh Dư thì mỗi chúng ta có thể cảm nhận khác nhau, tùy theo thế giới quan và nguồn thông tin tiếp cận. Chỉ tạm đưa ra một nghi vấn là: Nếu thực sự Trần Khánh Dư chỉ là tham quan hút máu dân thì làm sao lại được dân chúng thờ cúng và tin vào sự linh thiêng. Trong Lịch Triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú tuy chê Trần Khánh Dư vì mấy chuyện tham lam nhưng phải thừa nhận: "Sau khi ông mất, miếu thờ ở bến Linh Giang, có một chiếc ghế dài 2 thước, linh dị không ai đến gần".

Đọc thêm:

Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi

Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?