Có nhiều người được cử đi học sau đại học, lôi về tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì nghiễm nhiên tự phong cho mình là giỏi, xem những người còn lại chẳng ra gì. Không phải tôi bi quan, nhưng ở nước ta dường như khoảng cách giữa bằng cấp và thực học vẫn còn xa lắm.
Mấy ngày nay tôi suy nghĩ rất nhiều về những kiến giải của nhà thơ Trần Đăng Khoa về người nông dân Việt Nam. Trong tác phẩm “Nông dân”, ông Khoa viết: “Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá”. Thật là một nhận xét sâu sắc nói lên được nét tâm lí cố hữu và cũng là căn bệnh trầm kha thuộc về tư tưởng của người nông dân Việt Nam: Thói tự bằng lòng, tự thoả mãn với chính mình.
Càng ngẫm càng thấy sâu sắc. Trần Đăng Khoa quả không hổ danh là thần đồng thơ, nhà phê bình văn học danh tiếng. Tuy nhiên, suy nghĩ kĩ hơn, chợt thấy rằng tật xấu ấy đâu phải chỉ có ở người nông dân. Giới trí thức của ta vô khối người chẳng phải cũng đang tự khoác lên mình ánh hào quang giả tạo để rồi triệt tiêu chí tiến thủ của mình đấy sao. Hôm nay ngồi bên chiếc máy vi tính, gõ được vài dòng, thực hiện được vài thao tác đã nghĩ sao mà mình tiến bộ thế, văn minh thế. Chả bù cho ngày xưa, đánh máy chữ bở cả hơi tai. Sáng chế ra được chiếc máy cày đã vội cho là một công trình vĩ đại. Cái thời còn theo đít con trâu, ai dám mơ tới điều này. Thế là cho rằng mình siêu lắm rồi, giỏi lắm rồi, cần gì phải học nữa. Thật là “ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời”.
Cứ cái lối suy nghĩ thiển cận ấy thì bản thân mình không tránh khỏi sự tụt hậu chứ nói gì tới việc tiến lên theo kịp người. Thói tự thoả mãn làm con người ta trở nên “nhỏ bé”, nó là một trong những lý do giải thích vì sao chúng ta có rất nhiều học sinh giỏi mà hầu như rất ít thấy những nhà khoa học giỏi. Trí thức Việt Nam làm việc ở phương Tây thì tài năng thăng hoa một cách rực rỡ, nhưng về nước thì trí tuệ hầu như bị thui chột.
Lớp trí thức thời Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Vũ Đình Hòe, Đào Duy Anh… phải chăng “một đi không trở lại”? Thời ấy có nhiều người giỏi như thế là bởi trong tư tưởng bao giờ người ta cũng nghĩ dân tộc mình nghèo, lạc hậu, thua xa nước người cho nên không ngừng cố gắng vươn lên để mong bằng anh bằng em. Còn ta bây giờ lúc nào cũng nghĩ mình đã tài, đã giỏi, đã hơn ngày trước gấp bội phần thì phấn đấu sao được nữa.
Tôi là một anh giáo nhà quê, một trí thức tỉnh lẻ. Đời công chức tẻ nhạt tưởng như chẳng có gì đáng nói. Vậy mà hằng ngày vẫn chứng kiến được khối chuyện khiến tôi vừa buồn cười, vừa bực dọc. Năm nào trong trường may mắn có học sinh đạt giải cao thì ôi thôi nhiều lắm những thầy, những cô tự nhận “Nó là học trò cưng của tôi đấy. Được luyện từ lò của tôi đấy”. Thầy A thì bảo “Tôi dạy trúng đề”, cô B thì nói “Khi dạy tôi chạm được vào những chỗ sâu sắc nhất. Cháu nó tâm đắc nên mới làm bài tốt”. Đại khái đa số nhận mình là giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm.
Một đồng nghiệp (mà tôi rất kính trọng) nói nửa đùa, nửa thật “Bây giờ đưa đề ấy cho các vị, tôi đố các vị làm được đấy”. Tôi nghe mà thấy chua chát. Gặp năm “mất mùa”, ít giải, tôi lại nghe những câu hoàn toàn khác. Nào là “đề thi ra không đúng trọng tâm”, “Lứa học trò năm nay yếu”, “Thời gian bồi dưỡng ngắn quá”… Tuyệt không một câu nào nói đến sự hạn chế của thầy. Cứ như vậy, có giải thì tâng công, không giải thì đổ cho lý do này lý do khác, chẳng ảnh hưởng gì đến mình cả. Tôi nghe nhiều và cũng suy nghĩ nhiều. Rốt cuộc chỉ có những anh tâm huyết là khổ, tâm huyết càng nhiều càng khổ.
Tôi lại thấy có nhiều người được cử đi học sau đại học, lôi về tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì nghiễm nhiên tự phong cho mình là giỏi, xem những người còn lại chẳng ra gì. Không phải tôi bi quan, nhưng ở nước ta dường như khoảng cách giữa bằng cấp và thực học vẫn còn xa lắm. Cụ Nguyễn Khuyến mà sống ở thời này chắc sẽ viết được khối bài “Tiến sĩ giấy”, “Thạc sĩ giấy”. Đồng nghiệp của tôi (đã nhắc đến ở trên) nói vui: “Con mèo mà biết mình là mèo thì ít ra còn là giống mèo quí. Còn con mèo mà cứ nhận mình là hổ thì cũng chẳng đáng để gọi là mèo”. Tôi nghe mà lấy làm tâm đắc lắm. Thế nhưng lấy thực học mà chứng tỏ với đời, phỏng có được mấy người.
Nhiều người bảo tôi hay suy nghĩ lẩn thẩn như một ông cụ non chứ thời nào, nước nào mà chẳng có người này người nọ. Đồng ý là như thế thật, nhưng kiểu trí thức tự mãn ở ta tôi gặp hơi nhiều. Cũng mong là tôi nghĩ sai. Chứ nếu tôi nghĩ đúng thì đây cũng là một vấn đề đáng để suy nghĩ vậy.
Hồ Tấn Nguyên Minh