Ngày 20.2, lễ an táng cấp nhà nước của ông Lý Nhuệ, người từng là thư ký riêng của Mao Trạch Đông, đã diễn ra. Nhưng con gái ông tẩy chay, không tham dự với lý do lễ tang đi ngược ý muốn của cha bà.
Theo báo New York Times, khi còn sống, ông Lý Nhuệ là cơn đau đầu kéo dài hàng chục năm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), khi ông từng là một trong các thư ký riêng của Mao lại trở thành một “phần tử ngoan cố” mạnh miệng chỉ trích đảng, bị kết tội là “kẻ phản đảng”.
Người chết không muốn được hưởng lễ tang cấp nhà nước
ông Lý Nhuệ được 101 tuổi khi qua đời vì bệnh nặng ở Bắc Kinh hôm 16.2. Nhưng giới truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin, không có lời chia buồn và ca ngợi công trạng như vẫn thường làm khi một đảng viên cấp cao qua đời.
CPC cũng không có bài cáo phó chính thức, được gọi là Sinh Bình nhằm tóm lược tiểu sử người chết. Lễ tang được cử hành ở Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất các cựu đảng viên CPC cấp cao, ở phía tây thủ đô Bắc Kinh.
Nhưng con gái ông, bà Lý Nam Ương không về nước để dự lễ tang. Hiện sống ở bang California (Mỹ), bà cho hãng tin AP biết lý do qua điện thoại là muốn tỏ rõ ý nguyện của cha bà, không muốn cử hành lễ tang cấp nhà nước, không chôn ông ở khu Nghĩa trang Cách mạng, và không phủ cờ CPC lên quan tài.
Bà nói cha bà không thích những bài ca tụng khô khan, sáo rỗng, các biểu tượng ra ý ông vẫn tin tưởng vào CPC. Ông phản đối ý tưởng nằm trong quan tài có cờ phủ, phản đối tất cả các bài điếu văn, ca ngợi ông như một đảng viên trung thành.
Bà Lý nói: “Chỉ nên tưởng nhớ cha tôi vì đó là Lý Nhuệ, chứ không phải vì cha tôi là một đảng viên CPC cấp cao được hưởng các nghi thức an táng ngang hàm bộ trưởng”.
Bà Lý còn nói CPC làm cha bà “cực kỳ thất vọng”, và ông cảm thấy Trung Quốc đã và hiện tránh né tự do ngôn luận, nạn tham nhũng tràn lan trong hệ thống chính quyền đã tạo điều kiện cho các đảng viên giàu to, trong khi cuộc sống dân thường bị tù hãm.
Bà còn viết trong thư gởi người ủng hộ: “Tôi tin nếu anh linh cha tôi lên cõi cực lạc, ông sẽ khóc”, vì trông thấy thân xác bị quấn cờ. Và bà được thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gởi vòng hoa tang đến lễ tang.
Bà Lý nói: “Đạo đức giả”, và nhấn mạnh rằng thật trớ trêu, khi các cấp lãnh đạo ra vẻ tưởng nhớ cha bà, trong khi sách của cha bà lại bị cấm bán ở Hoa lục, vì đó là những thông tin về lịch sử giông bão của CPC, từ một người trong cuộc, từng là một đảng viên cấp cao nhưng chuyển qua phê phán hệ thống chính trị Trung Quốc thật kịch liệt, chính là ông Lý Nhuệ.
Lễ an táng vẫn diễn ra nhanh chóng. Công an và các quan chức đứng quan sát, chặn nhà báo nước ngoài muốn nói chuyện với người dự lễ tang.
Người dự lễ tang nói quan tài ông Lý Nhuệ được phủ cờ CPC. Hàng trăm người đến dự là các cựu đảng viên cao tuổi lưng đã còng hoặc ngồi xe lăn, những người con tóc đã bạc của những chiến sĩ cách mạng lão thành, các nhà sử học và dân thường từng biết đến ông Lý Nhuệ thông qua các cuốn sách chỉ trích Mao của ông.
Một số ít người dự lễ tang bày tỏ sự thương tiếc người quá cố bằng những tờ giấy viết tay, hoặc qua các phát biểu ngắn ca ngợi ông là người có tư tưởng tự do dám chống Mao, cụ thể là phản đối sự quá đáng của chiến dịch Đại Nhảy Vọt, và ông còn đòi hỏi những người kế nhiệm Mao nên đưa Trung Quốc theo hướng tự do hơn.
Cụ công nhân về hưu Sheng Lianqi, 70 tuổi, nói dù chưa gặp ông Lý Nhuệ nhưng rất phục các áng văn của ông. Cụ cầm tấm bảng viết: “Tên tuổi Lý Nhuệ sống mãi. Dân thường luôn rất sáng mắt sáng lòng”.
Bà quả phụ Trương Ngọc Trân nói: “Điều tôi muốn nói là Lý Nhuệ, một cụ già 100 tuổi, đã ra đi, nên hãy để ông ấy yên nghỉ”.
Wu Wei, một cựu đảng viên quen ông Lý Nhuệ, nói rằng theo bà Trương và các thành viên khác trong dòng họ Lý, trong di chúc ông Lý Nhuệ không phản đối việc được cử hành lễ tang cấp nhà nước, tức trái với những gì con gái ông nói.
Người dự lễ tang bày tỏ sự thương tiếc ông Lý Nhuệ - Ảnh : New York Times
Ông Lý Nhuệ không chịu tự phê
Theo Times, ông Lý Nhuệ được kết nạp năm 1937, tức trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được lập năm 1949. Ông từng có một thời gian là một trong các thư ký riêng của Mao từ cuối thập niên 1950, nhưng rồi ông bị khai trừ đảng do bày tỏ sự bất mãn. Ông từng bị tù 8 năm, và chỉ được đưa vào đảng trở lại sau khi Mao qua đời, và kết thúc luôn cả cuộc Cách mạng Văn hóa, vào năm 1976.
Như nhiều đảng viên bị kỷ luật khác, ông Lý Nhuệ quay lại làm việc, và nhiều quan chức ngưỡng mộ ông là một nhà cải cách, cố gắng đưa người trẻ vào đảng và sửa chữa những bất công đã có trong thời Mao.
Hồi năm 2017, khi trả lời phỏng vấn của BBC, ông Lý Nhuệ cho biết ông không chịu viết bản kiểm điểm-tự phê, sau khi ông ủng hộ đề nghị tha thứ cho các sinh viên tham gia vụ phản đối ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông nói: “Khi xảy ra xung đột giữa đảng với nhân dân, tôi luôn đứng về phía nhân dân”.
Khi mừng thọ 101 tuổi hồi năm 2018, ông mạnh miệng phê phán CPC và ông Tập. Trước đó, ông từng hy vọng ông Tập sẽ là một lãnh đạo tương đối ôn hòa, nhưng ông bức xúc với các chính sách của ông Tập, theo lời ông Bào Đồng, một người bạn của ông Lý Nhuệ và cũng bị khai trừ đảng.
Ông Bào nói với Times: “Các ý tưởng của bạn tôi ngày càng rõ ràng hơn. Ban đầu ông ấy nói đảng đi sai đường, nhưng sau đó ông ấy kết luận rằng toàn bộ đường lối của đất nước là sai, không chỉ riêng đảng, mà là toàn Trung Quốc”.
Hiện nay, CPC đã hạn chế chỉ trích Mao. Nhưng xem ra ông Lý Nhuệ muốn đi tới cùng. Ông đã tặng nhiều tác phẩm - gồm các sổ tay, thư ông viết từ hàng chục năm làm đảng viên CPC, và một cuốn nhật ký ông đã viết từ hơn 80 năm - cho Đại học Stanford và Viện Hoover (ở Mỹ), để các học giả có thể nghiên cứu chúng, theo bà Lý cho biết.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)