Mục tiêu ngắn hạn của chính quyền Trung Quốc là thoát khỏi hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, nhưng mục tiêu này lại tăng sức ép cho quỹ lương hưu vốn sẽ cạn kiệt từ năm 2035, theo một dự báo từ trước khi xảy ra đại dịch.

Trung Quốc với gánh nặng chi trả lương hưu sau dịch COVID-19

08/04/2020, 13:05

Mục tiêu ngắn hạn của chính quyền Trung Quốc là thoát khỏi hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, nhưng mục tiêu này lại tăng sức ép cho quỹ lương hưu vốn sẽ cạn kiệt từ năm 2035, theo một dự báo từ trước khi xảy ra đại dịch.

Cán bộ hưu trí Trung Quốc lĩnh lương hưu - Ảnh: China.org.cn

Năm 2019, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo giá trị của quỹ lương hưu toàn Trung Quốc sẽ lên đến đỉnh ở mức 6, 99 ngàn tỉ Nhân dân tệ (985 tỉ USD) vào năm 2027, trước khi dần cạn kiệt từ năm 2035. Và số người già ở Trung Quốc được cho là sẽ tăng từ khoảng 200 triệu lên 300 triệu người vào năm 2030, rồi lên tới 460 triệu người vào năm 2050.

Nhưng nay thì các chính quyền địa phương phải lo phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhưng sức tăng trưởng yếu sẽ chỉ khiến việc chi trả lương hưu càng nặng nề hơn.

“Tình hình tài chính Trung Quốc sẽ rất eo hẹp trong năm 2020”

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7.4, chính quyền Trung Quốc hồi tháng 2 đã công bố các doanh nghiệp có thể được giảm hoặc thậm chí được miễn đóng góp vào quỹ lương hưu của tỉnh, như một nỗ lực tập trung của chính quyền các cấp giúp các doanh nghiệp chống đỡ đại dịch, đúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên bị co nhỏ trong quý 1/2020.

Tuy nhiên theo SCMP, động thái hỗ trợ của Bắc Kinh sẽ càng gây nghiêm trọng hơn cho vấn đề trả lương hưu cho số cán bộ - công nhân viên hưu trí đang ngày càng tăng ở Trung Quốc, đúng lúc ngân sách của các địa phương đã bị dàn trải quá rộng cho nhiều mục tiêu phục hồi kinh tế.

Thường thì các quy định an sinh xã hội của Trung Quốc buộc người sử dụng lao động phải đóng khoảng 20% trong bảng lương của người lao động vào quỹ lương hưu nhà nước, và người lao động cũng phải đóng thêm 8% khoản thu nhập vào quỹ này.

Thế nhưng vì bùng phát dịch COVID-19 và kéo theo kinh tế giảm tốc, các công ty nhỏ và vừa được miễn đóng góp vào quỹ lương hưu cấp tỉnh (dùng để chi trả lương hưu, thất nghiệp và thương tật từ tai nạn lao động) từ tháng 2 đến tháng 6.2020. Các công ty lớn được miễn đóng góp từ tháng 2 đến tháng 4.2020.

Tại tỉnh Hồ Bắc (ổ dịch gốc), tất cả các doanh nghiệp được miễn đóng góp, và họ còn được phép hoãn đóng góp vào quỹ trợ cấp nhà ở của chính phủ từ tháng 2 đến tháng 6.2020.

Thậm chí từ trước khi bùng phát dịch, nhiều chính quyền địa phương đã phải chật vật giải quyết tình trạng thiếu ngân sách eo hẹp, do Bắc Kinh đã quyết giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp nhằm kích cầu tăng trưởng.

Ông Dong Dengxin, chủ nhiệm Viện Tài chính - Bảo hiểm thuộc Đại học Công nghệ Vũ Hán, hồi tháng 2 từng nói động thái giảm thuế của Bắc Kinh sẽ giúp nền kinh tế bằng cách giảm chi phí lao động, giúp các công ty tin tưởng cách đó sẽ giúp ổn định tình hình việc làm của đất nước.

Nhưng ông cũng nói thêm: “Tuy nhiên từ viễn cảnh kinh tế vĩ mô, rất khó đưa ra một kết luận toàn diện về tính hiệu quả của chính sách này. Việc tạm miễn các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội sẽ dẫn đến một sự suy giảm rõ ràng trong nguồn thu cho quỹ lương hưu trong năm nay, và nó sẽ gây sức ép tài chính nặng nề vào lúc các khoản thuế đã được giảm. Vì thế, tình hình tài chính của Trung Quốc trong năm nay sẽ rất eo hẹp”.

Quỹ lương hưu cho người già bị địa phương sử dụng sai mục đích

Hiện Trung Quốc rất cần tiền chi trả bảo hiểm y tế và lương hưu cho số người già đang tăng nhanh, trong khi các quỹ an sinh xã hội của nhà nước lại bị cạn tiền.

Cùng lúc, người hưu trí và người bệnh sẽ càng cần rút tiền từ quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm y tế, điều khiến giới trẻ sẽ phải oằn vai đóng thuế và đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội.

Nhà kinh tế Zhuang Bo của công ty nghiên cứu TS Lombard (Anh) nói các chính quyền địa phương bị thâm hụt quỹ lương hưu còn do sự không đồng bộ giữa nơi mà người lao động ăn lương đóng góp vào quỹ, với nơi mà người nghỉ hưu nhận được khoản chi trả. Lao động nhập cư bị buộc phải đóng góp vào quỹ an sinh xã hội ở tỉnh mà họ đến lao động, nhưng họ chỉ có thể được chi trả ở tỉnh có quê nhà của họ.

Ông còn nói một số quỹ của các tỉnh cũng bị chiếm dụng để sử dụng vào các mục đích khác - gồm xây dựng cơ sở hạ tầng - thay vì chi trả lương hưu.

Bắc Kinh sẽ “khoan thư sức dân”, vay tiền chi trả lương hưu ?

Việc cần tiền để các chính quyền địa phương hoạt động và chi trả lương hưu - bảo hiểm là một vấn đề cực kỳ đáng lo, vì Trung Quốc đã mắc nợ công quá cao. Mức tổng nợ nhanh chóng đạt đến 310% GDP, theo Viện Quốc tế Tài chính. Tổng nợ của các hộ gia đình, ngành tài chính, các công ty và chính phủ đã tăng từ 10 ngàn tỉ USD từ năm 2009 lên 43 ngàn tỉ USD trong năm 2019.

Nhằm giải ngân nguồn tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong cơn dịch Covid-19, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp, gồm tăng thâm hụt ngân sách; phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt và tăng trái phiếu đặc biệt cho chính quyền địa phương.

Báo cáo hồi tháng trước của công ty tư vấn KPMG đã nêu nhiều quỹ lương hưu cấp tỉnh phải xin Quỹ An sinh xã hội quốc gia (NCSSF, thuộc chính phủ Trung Quốc) giúp xử lý nguy cơ cạn tiền chi trả lương hưu.

KMGP cho biết, để chuẩn bị đối phó khả năng cần chuyển rất nhiều tiền để lấp cách biệt giữa khoản đóng góp và khoản chi trả ở nhiều quỹ lương cấp tỉnh, Bộ Tài chính Trung Quốc hồi năm ngoái đã chuyển 10% từ khoản đóng góp của các công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc cho NCSSF.

Nhà kinh tế Zhuang Bo nói: “Ngay cả khi NCSSF đủ lớn để hỗ trợ tài chính cho 1, 2 tỉnh, quỹ này cũng không đủ tiền để hỗ trợ tài chính cho tất cả các tỉnh. Toàn bộ các quỹ an sinh xã hội của Trung Quốc đều không đủ tiền và đó là một sự cách biệt khổng lồ và không thể kéo dài”.

Nhưng ông Aidan Yao, một nhà kinh tế học ở công ty tài chính AXA Investment Managers, nói dù vấn đề dân số lão hóa nhanh của Trung Quốc là một thách thức lớn nhưng vẫn có thể vượt qua, nhờ vào việc chính phủ có thể vay tiền từ các tài khoản tiết kiệm rất lớn ở lĩnh vực tư nhân và của các gia đình Trung Quốc: “Viễn cảnh dài hơi cho hệ thống quỹ lương hưu là vẫn lệ thuộc vào tốc độ và tầm cỡ tình trạng lão hóa, và tổng khoản tiền tiết kiệm của các lĩnh vực công và tư, cùng các chính sách của chính phủ”.

Ông Robin Xing Ziqiang, một nhà kinh tế học ở ngân hàng Morgan Stanley, đã ước tính tổng gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc hiện đạt khoảng 344 tỉ USD. Nó có thể đạt đến 785 tỉ USD thông qua một mức thâm thủng tài chính 385 tỉ USD, cộng thêm khoản 400 tỉ USD nữa có từ các biện pháp khác, gồm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ dưới dạng ngân hàng trung ương cho vay lãi suất thấp, và các giải pháp cho vay khác của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, không có khoản chi tiêu tài chính bổ sung nào hiện được dành cho việc bảo vệ quỹ lương hưu.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc với gánh nặng chi trả lương hưu sau dịch COVID-19