Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 31.12.2015, và đang được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa được chú ý khai thác đúng mức.
Câu chuyện kinh tế gây chấn động nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong tuần này, và có thể sẽ kéo dài sự tác động thêm một thời gian lâu dài nữa, chắc chắn phải là Brexit – sự kiện người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Không những chỉ là sự kiện gây chấn động nhất, mà Brexit dường như đang có nhiều hứa hẹn trở thành một cơn sóng thần đe dọa tàn phá nền kinh tế toàn cầu không thua kém gì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cách đây 8 năm.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự xáo trộn của nền kinh tế toàn cầu. Và điều đáng tiếc nhất là sự kiện tiêu cực này lại xảy ra vào đúng thời điểm Việt Nam đang tiến hành cải cách nền kinh tế. Vậy, trong bối cảnh hiện tại, đâu là giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam?
Có thể nói, trong số những quốc gia ở châu Á chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu, vẫn được biết đến với cái tên Brexit, thì Việt Nam có lẽ là quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất, xét trên nhiều khía cạnh. Sự ra đi của nước Anh đang báo hiệu một sự suy giảm tăng trưởng và một sự biến động thị trường lớn lao ở cả nền kinh tế Anh quốc lẫn nền kinh tế châu Âu lục địa vốn là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Theo báo cáo “Tác động của Brexit tới thị trường mới nổi châu Á: Không phải Anh, EU mới là vấn đề” của tác giả Trinh D. Nguyen, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi châu Á của công ty tư vấn Natixis, trụ sở tại Hồng Kông, phát đi vào tối ngày 24.6, thì tăng trưởng kinh tế, đầu tư và sức cầu của nước Anh chắc chắn sẽ bị suy yếu, gián tiếp tác động tới các thị trường xuất khẩu vào Anh.
Bloomberg nói Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với Brexit.
Cụ thể, Brexit sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của Anh giảm xuống còn 0,5% vào năm 2017 từ mức 1,6% của năm 2016 (so với 2,1% là tỷ lệ dự đoán nếu Anh ở lại EU). Điều tương tự cũng diễn ra đối với nền kinh tế EU, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn đạt khoảng 1,2% vào năm 2017 (so với 1,4% nếu như Anh ở lại) và chỉ còn 1,4% trong năm 2016 (so với tỷ lệ dự đoán trước đó là 1,6%).
Sự sụt giảm tăng trưởng mang tính dây chuyền (từ Anh sang EU) này đồng nghĩa với việc sức cầu của cả hai thị trường này sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới, có thể lên tới hàng năm, và sẽ tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh chỉ đạt khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng EU lại đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với tổng kim ngạch lên tới 30 tỷ USD mỗi năm, còn giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh cũng đã lên tới 4,65 tỷ USD vào năm 2015.
Việc thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam rơi vào rối loạn và có thể trì trệ trong một thời gian dài, rõ ràng là một thiệt hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế của chúng ta ít nhất là trong năm 2016.
Ngoài ra, Brexit còn đang gây áp lực với nền kinh tế Việt Nam thông qua một loạt các khía cạnh khác. Điển hình là vấn đề tỷ giá. Chỉ sau khi Brexit xảy ra được tròn một ngày, thì đồng bảng Anh đã mất giá tới 10% - mức kỷ lục trong vòng 30 năm trở lại đây, và đang gây ra một cơn bão khủng khiếp tàn phá thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời gây sức ép lớn với tỷ giá của Việt Nam.
Việc đồng bảng Anh và cùng với đó là đồng euro mất giá mạnh đang khiến cho tỷ giá VNĐ tăng lên theo hướng không có lợi cho kinh tế Việt Nam, khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh và EU gặp khó khăn hơn. Sự sụt giá nghiêm trọng của đồng bảng Anh và đồng euro cũng đang khiến cho Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hạ tỷ giá nhân dân tệ để cạnh tranh xuất khẩu, và buộc Việt Nam phải điều chỉnh theo.
Đúng là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có nhiều lý do để hạ lãi suất như một biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vốn là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng việc hạ lãi suất phải hết sức thận trọng do áp lực lớn về lạm phát trong năm nay. Rõ ràng việc chúng ta phải hạ tỷ giá theo kiểu không còn cách nào khác như hiện tại đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến những điều chỉnh kinh tế trong nước.
Đó là chưa kể việc, đồng bảng Anh và đồng euro sụt giá đang khiến cho tỷ giá đồng yen Nhật tăng cao chóng mặt, và gián tiếp làm tăng gánh nặng nợ công trên vai Việt Nam do các khoản nợ công vay bằng đồng yen chiếm tỷ lệ cao trong khối nợ công vốn sắp kịch trần của chúng ta.
Nhưng, quan trọng hơn hết là, sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu cũng như nền kinh tế thế giới hỗn loạn sau Brexit lần này, lại diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang điều chỉnh, cải cách.
So về quy mô giá trị xuất khẩu và sự ảnh hưởng phải gánh chịu do suy giảm xuất khẩu sang Anh và EU sau Brexit, thì Việt Nam không bằng Trung Quốc; nhưng đánh giá tác động toàn diện thì Việt Nam lại phải chịu nhiều hậu quả hơn và có lẽ là quốc gia phải chịu nhiều hậu quả từ Brexit nhất ở châu Á, do sự kiện này diễn ra vào đúng thời điểm chúng ta đang cải cách nền kinh tế.
Áp lực từ xuất khẩu và tỷ giá chắc chắn sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với nỗ lực cải cách nền kinh tế của chính phủ Việt Nam. Xét về các yếu tố tiêu cực tác động tới nền kinh tế, thì năm 2016 có lẽ sẽ là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, khi mà hàng loạt các tác động tiêu cực không hẹn mà gặp đã cùng diễn ra vào năm này, từ hạn mặn ở miền Nam, đến việc nền kinh tế biển ở miền Trung bị tác động, giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh, và giờ đây là cơn bão về tài chính và kinh tế do Brexit gây ra.
Sự hỗn loạn trong nền kinh tế EU sau khi Anh ra đi chắc chắn sẽ còn tác động lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam, khi nhiều khả năng hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ phải đàm phán lại do nó vẫn chưa được nghị viện châu Âu thông qua, và dù phải đến năm 2018 thì nó mới có hiệu lực trong trường hợp được thông qua, thì chắc chắn điều này cũng sẽ tác động lớn tới kinh tế Việt Nam vốn coi EVFTA là một nhân tố quan trọng với nền kinh tế trong tương lai.
Nếu như không muốn suy giảm cả xuất khẩu lẫn tăng trưởng kinh tế do sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Anh và EU, Việt Nam về lý thuyết phải chọn cách chuyển hướng sang những thị trường mới để bù đắp lại những thiệt hại từ thị trường EU.
Trong bối cảnh TPP vẫn chưa được tất cả các nước thành viên thông qua, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải hướng đến các thị trường truyền thống nhưng chưa được khai thác hết mức tiềm năng điển hình là các nước ASEAN.
Theo thống kê của tổng cục Hải quan, thì trong nhiều năm qua ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ và EU), đồng thời ASEAN cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 2 (giai đoạn trước 2010) và thứ 3 (sau năm 2010) cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 31.12.2015, và đang được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa được chú ý và khai thác đúng mức.
Sự kiện Brexit lần này có thể là một cơ hội tốt để Việt Nam nhìn nhận lại tiềm năng của AEC và đẩy mạnh đầu tư xuất khẩu vào thị trường này không chỉ như một giải pháp chữa cháy do sự tác động từ thị trường châu Âu, mà còn như một lộ trình lâu dài cho việc khai thác một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất thế giới trong tương lai.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF, Gov.vn)