Thuộc địa giới tỉnh Hà Nam, cả hai thành phố Lạc Dương và Trịnh Châu đều là những địa danh hấp dẫn, nơi sở hữu những Di sản thế giới với hang đá Long Môn bên dòng sông Di và Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn huyền thoại.

Từ Lạc Dương đến Trịnh Châu, con đường di sản

Nguyễn đình thiên ý | 17/06/2016, 14:28

Thuộc địa giới tỉnh Hà Nam, cả hai thành phố Lạc Dương và Trịnh Châu đều là những địa danh hấp dẫn, nơi sở hữu những Di sản thế giới với hang đá Long Môn bên dòng sông Di và Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn huyền thoại.

Cả hai điểm đến độc đáo với những câu chuyện khác biệt ấy sẽ góp cho hành trình khám phá những danh thắng mang đậm giá trị văn hoá – lịch sử của một miền đất xưa Hà Nam với thật nhiều cảm xúc và ấn tượng.

Long môn thạch động

Hang đá Long Môn tọa lạc ở phía tây bờ sông Di, bờ đông là núi Hương Sơn, sông Di chảy theo hướng Bắc giữa hai dãy núi nên trông giống như hai ngọn tháp của một cổng vào nên nơi đây còn được người xưa gọi là Di khuyết, nghĩa là Di Giang Môn hay Cổng sông Di. Đến thời Đông Chu, khi dời đô về Lạc Dương, cổng hoàng thành được xây về hướng Di Giang Môn, kể từ đó Di Giang Môn được đổi tên thành Long Môn – nghĩa là cổng rồng, tượng trưng cho vua.

Đến năm 493 sau công nguyên, trong thời gian hoàng đế Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế dời đô đến Lạc Dương, đó là thời điểm hang đá Long Môn được hình thành, và theo sử sách ghi lại thì phải mất đến hơn 400 năm mới hoàn thành một công trình kỹ vĩ trên núi đá với chiều dài hơn 1km dọc theo triền núi Long Môn và công việc này được tiếp tục qua nhiều triều đại, bao gồm Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, Tùy, Đường, Bắc Tống. Do vậy khu quần thể hang động Long Môn được mệnh danh là một trong ba kho tàng nghệ thuật điêu khắc lớn quý giá nhất Trung Quốc.

Dọc theo hướng Nam trên con đường đi vào hang đá Long Môn, hằng hà sa số những cửa động lớn nhỏ, mà trong đó có những bức tượng Phật, bồ tát, các vị thần, tiên nữ… ở đủ mọi kích cỡ, dáng thế khác nhau, có cả những lầu đài, đình các, đại tự được thể hiện một cách sinh động trên các vách đá. Quần thể này có 2.345 hang động và hốc, 2.800 bản khắc, hơn 100.000 tượng Phật. 30% tổng số hang động có niên đại từ thời Bắc Nguỵ, 60% từ thời Đường, còn lại thuộc những triều đại khác.

Rất nhiều các tượng Phật trong hang động đã bị phá hủy, đánh cắp, nhưng vẫn còn nhiều những điểm nhấn ở hang động Long Môn như hang Tân Dương, đây là một hang động tạc từ thời Bắc Ngụy, và người xưa phải mất đến 24 năm để thực hiện công trình độc đáo này. Hang có 11 pho tượng Phật. Chính diện là tượng Phật thích ca mâu ni tọa trước hai con sư tử, bên cạnh tượng Phật là các vị bồ tát với gương mặt hiền từ, nhân hậu, thể hiện một lối điêu khắc đạt đến trình độ kiệt tác trong điêu khắc đồ đá. Đi sâu thêm vào khu quần thể các khám Phật ở hang đá Long Môn, khi đến chùa Phụng Tiên – hang động lớn nhất trong quần thể hang đá Long Môn, chắc hẳn nhiều người sẽ kinh ngạc bởi sự đồ sộ của quần thể tượng Phật khổng lồ, với chiều cao hơn 17m. Ngôi chùa này tương truyền ngày xưa hoàng đế Võ Tắc Thiên đã từng dẫn các quan viên văn võ tới đây lễ Phật.

Vào 30.11.2000 cụm hang đá Long Môn đã được đưa vào “Danh mục di sản thế giới”. Hội đồng di sản thế giới đánh giá rằng: hang đá và tháp Phật tại khu vực Long Môn đã thể hiện nghệ thuật tạo hình quy mô nhất và ưu tú nhất của cuối thời Bắc Ngụy cho đến thời Đường, từ năm 493 đến năm 907. Ngày nay, hang đá Long Môn là một di tích đáng để chiêm ngưỡng và tìm hiểu trong hành trình đến thành phố Lạc Dương – Hà Nam.

Công phu xuất Thiếu Lâm

“Thiên hạ công phu xuất thiếu lâm” - mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ võ phái Thiếu Lâm. Và huyền thoại ấy hiện hữu trên núi Tung Sơn thuộc thị xã Đăng Phong, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Con đường cao tốc lên Tung Sơn ngày nay rộng thênh thang, thị xã Đăng Phong khang trang với những nhà cao tầng san sát, có được những bước phát triển ấy, người dẫn đường cho biết đều nhờ vào võ thuật. Ở Đăng Phong, ngoài Thiếu Lâm Tự có đến hơn 120 các võ đường khác chuyên đào tạo võ thuật, với số lượng võ sinh hàng năm trung bình trên 120 ngàn người từ Trung Quốc và khắp thế giới tìm về để học những tinh hoa võ thuật Thiếu Lâm Tự.

Được xây dựng dưới thời Bắc Ngụy, năm Thái Hòa thứ 20 tức năm 497, Thiếu Lâm Tự đã trải qua biết bao thăng trầm thời cuộc. Đây cũng là cái nôi đào tạo nên các ngôi sao võ thuật nổi tiếng Trung Quốc như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chung Tử Đơn, Triệu Văn Trác…

Người ta nói rằng, Thiếu Lâm Tự có tất cả trên 500 bài quyền, một con số khổng lồ và một đời người không ai có thể học hết được. Đi tiếp vào núi Tung Sơn, ngôi chùa chính hiện ra giữa những rặng cây, tĩnh mịch, uy nghiêm, trên cổng chính là bức đại tự Thiếu Lâm Tự, tương truyền do chính vua Khang Hy – vị hoàng đế thứ hai thời nhà Thanh đã để lại bút tích của mình mà nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn theo năm tháng.

Qua khỏi cổng chính của chùa, những cây ngân hạnh cổ thụ ngàn năm tuổi rợp bóng mát như tôn thêm vẻ uy nghiêm của một ngôi chùa cổ xưa với bề dày lịch sử thuộc vào bậc nhất Trung Quốc. Dưới những gốc Ngân Hạnh, vẫn còn in những vết lõm sâu hơn đốt ngón tay, tương truyền đây chính là dấu tích các võ tăng ngày ngày luyện Nhất dương chỉ, lấy công phu khổ luyện biến các bộ phận trên cơ thể trở nên như những binh khí lợi hại để vừa rèn luyện sức khỏe và chống lại quân thù khi có nạn binh đao.

Mỗi bước đi trong Thiếu Lâm Tự như được nghe thêm một câu chuyện huyền thoại vọng lại từ ngàn xưa. Ở tòa kiến trúc phía sau chùa, sân tập của các võ tăng, vẫn còn đó những bức bích họa miêu tả các thế võ. Trên nền ghạch vẫn hằn vết lõm sâu, dấu chỉ của những bộ tấn mà các võ tăng dày công luyện tập hàng ngày để đạt đến công phu thượng thừa, làm vang danh Thiếu Lâm trên khắp chốn.

Thiếu Lâm Tự còn có một nơi thâm nghiêm khác là Tháp Lâm, một khu rừng tháp nằm sâu trong núi, nơi các vị phương trượng, võ tăng của Thiếu Lâm đã an nghỉ. Những tòa tháp đủ hình dáng, kích cỡ, nằm xen trong cánh rừng từ cả nghìn năm qua, như một minh chứng cho bề dày lịch sử của Thiếu Lâm Tự - dấu son thắm trên dãy núi Tung Sơn huyền thoại.

Nguyễn Đình/TST Tourist
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ Lạc Dương đến Trịnh Châu, con đường di sản