UBTech Robotics và Foxconn đã ký kết quan hệ đối tác toàn diện dài hạn để triển khai nhiều robot hơn tại các nhà máy của hãng sản xuất iPhone theo hợp đồng hàng đầu thế giới.
UBTech Robotics, nhà sản xuất robot hình người lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, sẽ triển khai robot của mình tại các nhà máy của Foxconn (đối tác sản xuất iPhone chính cho Apple) để hỗ trợ quá trình "sản xuất phức tạp và tinh vi".
Bên lề hội nghị do tờ SCMP tổ chức tại Trung Quốc, Michael Tam (Giám đốc thương hiệu UBTech Robotics) cho biết công ty đang đào tạo robot của mình để xử lý các nhiệm vụ khác nhau cần thiết cho sản xuất hiện đại.
“Với sản xuất ô tô, có hàng nghìn nhiệm vụ trong danh sách của chúng tôi. Trong các lĩnh vực như sản xuất 3C, đây là những kỹ năng hoàn toàn mới mà robot hình người cần học”, Michael Tam nói. 3C đề cập đến máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng. Trong ngành sản xuất, 3D được dùng để mô tả các sản phẩm và công nghệ liên quan đến ba danh mục này.
Hôm 15.1, UBTech Robotics đã công bố "mối quan hệ đối tác toàn diện lâu dài" với Foxconn, công ty Đài Loan đang thử nghiệm sản xuất ô tô điện, để triển khai thêm nhiều robot hơn trong các nhà máy.
Walker S1, robot hình người được ra mắt vào tháng 10.2024, đã hoàn thành hai tháng đào tạo về hoạt động hậu cần tại các nhà máy của Foxconn ở quận Long Hoa, thành phố Thâm Quyến. Walker S1 sẽ sớm được đưa đến nhà máy sản xuất ô tô của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), theo một tuyên bố từ UBTech Robotics.
Michael Tam cho biết UBTech Robotics đặt mục tiêu ra mắt Walker S2, phiên bản nâng cấp của Walker S1, vào quý 2/2025.
UBTech Robotics sẽ thử nghiệm tính khả thi của việc sử dụng robot hình người trong các nhiệm vụ như di chuyển, phân loại và kiểm tra chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân dựa trên các yêu cầu từ Foxconn, theo quan hệ đối tác này.
Hai công ty sẽ hợp tác để cải thiện khả năng chuyển động, nhận thức và ra quyết định của robot và cũng cùng nhau thành lập một phòng thí nghiệm để khám phá thêm nhiều ứng dụng và công nghệ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các công ty Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc chế tạo robot hình người và đưa chúng vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Trung Quốc đang thúc đẩy tự động hóa như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng sâu sắc với Mỹ. Theo báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế vào tháng 11.2024, Trung Quốc đã vượt qua Đức và Nhật Bản về việc áp dụng robot công nghiệp.
UBTech Robotics mời gọi các công ty Trung Quốc sử dụng Walker S1 cho các mục đích sử dụng khác nhau. Hiện tại, robot này được các nhà sản xuất ô tô, gồm cả BYD (hãng ô tô điện lớn nhất Trung Quốc), cũng như công ty chuyển phát nhanh khổng lồ SF Express sử dụng.
Được gã khổng lồ công nghệ Tencent hậu thuẫn, UBTech Robotics đã ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12.2023.
Ngoài BYD, các hãng ô tô là khách hàng của UBTech Robotics gồm Dongfeng Motor, Geely, liên doanh FAW-Volkswagen.
UBTech Robotics cũng cho biết họ sẽ là đối tác robot hình người độc quyền của Foxconn.
Công ty Trung Quốc nói quan hệ đối tác này sẽ không chỉ "thúc đẩy ứng dụng rộng rãi hơn của robot hình người trong sản xuất thông minh, mà còn nhanh chóng giảm chi phí sản xuất bằng cách tận dụng lợi thế về chuỗi cung ứng của Foxconn”.
UBTech Robotics cũng đặt mục tiêu trở thành công ty trên thế giới đạt được "sản xuất hàng loạt thương mại" robot hình người thông qua sự hợp tác với Foxconn.
Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc dự đoán vào năm 2017 rằng các ngành sản xuất lớn, gồm cả ô tô, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 30 triệu lao động vào năm 2025.
Một báo cáo của Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc vào tháng 4.2024 cho thấy nhu cầu tuyển dụng từ ngành xe năng lượng mới đã tăng 32% vào 2023 so với cùng kỳ năm trước, với các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt cần lao động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất.
Thế nhưng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc đang phải vật lộn để đào tạo ra những công nhân kỹ thuật lành nghề ở nước này và số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động mỗi năm hiếm khi quan tâm đến công việc lao động chân tay.
Với khả năng thích ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau, robot hình người được kỳ vọng sẽ làm giảm nhu cầu lao động trong ngành sản xuất.
Cao 1m72 và nặng 76 kg, Walker S1 có kích thước tương đương với một người. Nó có thể tiến hành kiểm tra chất lượng bằng thị giác, mang các bưu kiện có nhiều kích cỡ khác nhau, sử dụng tua vít điện để siết chặt ốc vít, lắp ráp những bộ phận và phân loại các thành phần.
Trên trang web của mình, UBTech Robotics cho biết việc sử dụng robot hình người có thể giúp bảo vệ người lao động khỏi các chấn thương về thể chất do nâng vật nặng trong thời gian dài và tiếp xúc với các chất độc hại, cũng như công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại.
Robot hình người Trung Quốc gây tiếng vang
Đầu tuần này, robot SE01 của công ty khởi nghiệp Engine AI (có trụ sở tại Thâm Quyến) đã nhận được lời khen ngợi từ nhà khoa học cấp cao Jim Fan của Nvidia sau khi video về robot hình người này đi trên phố lan truyền rộng rãi.
Jim Fan, người cũng dẫn đầu Sáng kiến tác tử AI của Nvidia, cho biết đã thấy các bài đăng về “những bước đi rất tự nhiên của robot hình người” từ công ty Trung Quốc nhưng khó có thể xác định liệu video này có được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) hay không.
“Bước đi có phong cách, nhưng chúng ta cần những robot này tham gia những nhiệm vụ thực tế hơn càng sớm càng tốt, chẳng hạn chữa cháy”, Jim Fan viết sau khi xác nhận tính xác thực của video.
Tác tử AI (AI Agent) là hệ thống hoặc chương trình AI có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tự động và độc lập dựa trên các mục tiêu được xác định trước. Tác tử AI thường được thiết kế để tương tác với môi trường, đưa ra quyết định và thực hiện hành động nhằm đạt được mục tiêu, đôi khi thông qua việc học hỏi từ kinh nghiệm hoặc thích nghi với các điều kiện thay đổi.
Engine AI đăng video này vào tuần trước trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy robot có tên SE01 đi bộ trong một khu phức hợp thương mại và thu hút sự chú ý của người qua đường.
Công ty đã công bố SE01 vào tháng 10.2024, định vị nó là một robot công nghiệp và gia đình. Robot cao 1,7m này có thể thực hiện các động tác của con người như ngồi xổm, chống đẩy, đi vòng tròn và cầm nắm đồ vật, được thiết kế để sử dụng trong hơn 10 năm, theo Engine AI.
Được thành lập vào tháng 10.2023, Engine AI đã ra mắt nhiều robot hình người, gồm cả SA01. Đây là robot hai chân, mã nguồn mở, dành cho nghiên cứu khoa học và các trường hợp sử dụng trong giáo dục. SA01 chỉ có giá 38.500 nhân dân tệ (5.250 USD). Mẫu robot hình người PM01 cao 1,38m của Engine AI được định giá cao hơn nhiều, ở mức 88.000 nhân dân tệ.
Engine AI chưa công bố giá cho mẫu SE01 cao cấp hơn. Yao Qiyuan, đồng sáng lập Engine AI, chia sẻ với một tờ báo ở Thâm Quyến rằng công ty đặt mục tiêu giữ giá các robot hình người cỡ lớn trong khoảng từ 150.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ.
Vào tháng 11.2024, công ty nói với tờ National Business Daily (Trung Quốc) rằng đang nỗ lực để giữ chi phí sản xuất mỗi robot hình người dưới 100.000 nhân dân tệ.
Engine AI đang hy vọng rằng mức giá thấp hơn sẽ giúp họ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc, nơi các công ty phải đối mặt với những thách thức về khả năng sinh lời.
Engine AI nằm trong số nhiều công ty Trung Quốc hy vọng sẽ biến các robot thông minh hình người trở nên hữu ích trong thế giới thực, khi một số công ty đang gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận tài chính sau khoản đầu tư khổng lồ.
UBTech Robotics đã báo cáo khoản lỗ hàng năm 1,23 tỉ nhân dân tệ trong 2023, tăng từ mức lỗ 974,8 triệu nhân dân tệ vào 2022. Sau đợt bán tháo gần đây trên thị trường, cổ phiếu UBTech Robotics đã mất hơn một nửa giá trị kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Vào tháng 11.2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết nước này nên hiện thực hóa sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025 và biến chúng thành "động lực mới quan trọng cho tăng trưởng kinh tế" trong 2027.
Các hãng công nghệ ở Trung Quốc đại lục đã giới thiệu gần hai tá robot hình người tại triển lãm công nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải năm ngoái, nơi Optimus của Tesla (Mỹ) tham gia với tư cách là đối thủ nước ngoài duy nhất.
Trong tháng 12.2024, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực khi một số chính quyền địa phương đang chạy đua để đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chính quyền thành phố Trùng Khánh cam kết trợ cấp 10 triệu nhân dân tệ (1,37 triệu USD) cho các công ty robot.
Làn sóng ủng hộ chính sách địa phương diễn ra trước hội nghị công tác kinh tế trung ương năm nay. Cuộc họp thường niên, đặt ra chương trình nghị sự kinh tế cho năm 2025, nói Trung Quốc nên "thực hiện các bước để đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại hóa", theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.