Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo dòng thời sự

VCCI góp ý Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung về sắp xếp bộ máy

Lam Thanh 14:35 08/01/2025

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo, trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này đang chưa rõ hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời và quy trình ban hành loại văn bản này (văn bản quy phạm pháp luật hay là văn bản hành chính). Hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật đó là gì? Thời hạn của các văn bản tạm thời này như thế nào?

“Văn bản hướng dẫn tạm thời này có nội dung về trình tự, thủ tục hành chính có sự thay đổi so với trình tự, thủ tục trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định này tác động đến người dân, doanh nghiệp. Do vậy cần phải có sự kiểm soát về ban hành quy định này, hạn chế trường hợp thủ tục hành chính trở nên kém thuận lợi hơn”, VCCI nêu và đề nghị quy định rõ hơn về hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời và quy trình ban hành loại văn bản này.

Cũng theo VCCI, dự thảo chưa có nội dung xử lý cho trường hợp thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao, sắp xếp (cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhận kết quả, cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy trả kết quả). Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục bị đình trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, cần đưa ra nguyên tắc, đối với thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao giữa các cơ quan thực hiện sắp xếp, tổ chức cá nhân, tổ chức không cần phải nộp lại hoặc điều chỉnh hồ sơ đã nộp trước đó; thời gian giải quyết thủ tục không thay đổi… để đảm bảo tính liên tục và thuận tiện cho cá nhân, tổ chức.

tthc-1712545497227645026214.jpg
VCCI cho rằng cần làm rõ các thủ tục hành chính trong quá trình chuyển giao sắp xếp tổ chức bộ máy - Ảnh minh hoạ

Dự thảo cũng đã đưa ra các nguyên tắc chung, cũng như các quy định xử lý để đảm bảo hoạt động thông suốt của các thủ tục hành chính. Việc sắp xếp này có thể tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh vì nguy cơ một số thủ tục hành chính bị ảnh hưởng. Do vậy, theo VCCI, bên cạnh các quy định nguyên tắc xử lý, cần có cơ chế giám sát để đảm bảo không có trở ngại khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục.

Khoản 2 Điều 9 Dự thảo quy định “cơ quan có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp”.

“Quy định này là phù hợp, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, yêu cầu này cần mở rộng ra đối với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp giấy tờ phải được cấp đổi theo cơ quan nhà nước sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp trong hồ sơ thực hiện thủ tục. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trường hợp này”, VCCI nhận định.

Điều 10 dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ nhất, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết này để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tránh khoảng trống pháp luật, trừ các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại nghị quyết này (khoản 1). Thứ hai, các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật có thay đổi về thẩm quyền, chức danh, quy trình, trình tự, thủ tục và các nội dung khác, trừ nội dung quy định tại Điều 4, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp (khoản 2).

VCCI cho rằng không rõ vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền ban hành tại 2 trường hợp trên. Trường hợp thứ nhất được hiểu ban hành trước khi sắp xếp. Trường hợp thứ hai được hiểu là ban hành sau khi sắp xếp và đều là những vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp (những nội dung như “thẩm quyền, chức danh, quy trình, trình tự, thủ tục” là những nội dung liên quan đến hoạt động của cơ quan sau sắp xếp).

Theo đó, VCCI đề nghị quy định rõ nhóm vấn đề soạn thảo, ban hành trước và sau khi sắp xếp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

Những nội dung nào có thể thực hiện theo các quy định tại nghị quyết này, đề nghị quy định ngay tại khoản 1 Điều 10 để đảm bảo cách hiểu thống nhất. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đặt ra giới hạn thời gian hoàn thành hoạt động này để đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn để làm gương
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình yêu cầu tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm gây lãng phí lớn để làm gương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI góp ý Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung về sắp xếp bộ máy