Bây giờ, nếu hỏi bất cứ một công chức, viên chức nào, nhất là công chức, rằng công việc hiện tại ra sao thì hầu như chúng ta đều nhận được câu trả lời là công việc ngày càng nhiều, càng bận rộn.
Hiện nay, không thể phủ nhận rằng ở nhiều nơi, như TP.HCM, Hà Nội, các thành phố lớn nhiều đơn vị hành chính có dân số quá đông, công việc nhiều cũng là lẽ thường tình. Dù dân số đông, song hiện nay việc quản lý đã ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều khâu, nhiều quá trình đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Chỉ cần tinh ý một chút, ta sẽ không khó để nhận ra nguyên nhân công việc của những người trong bộ máy hệ thống chính trị ngày càng áp lực, bận rộn. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có 3 nguyên nhân sau đây:
Một là, trong các cuộc làm việc giữa cấp trên với cấp dưới hoặc các cuộc kiểm tra, thành phần dự quá đông. Hiện nay, cứ có bao nhiêu cơ quan, đơn vị thì sẽ có bấy nhiêu cuộc kiểm tra liên quan đến cơ quan, đơn vị, từ kiểm tra định kỳ, thường xuyên đến đột xuất. Cứ nhìn các buổi làm việc, nhất là ở cơ sở khi tiếp các đoàn kiểm tra, ta hiểu rằng không bận mới là lạ: ngồi kín hội trường, đầy đủ các thành phần.
Đơn cử, hội nông dân huyện hẳn nhiên là có vị trí, vai trò của hội và hằng năm đều có các buổi làm việc, kiểm tra ở cơ sở. Nếu đoàn hội nông dân huyện xuống một xã nào đó kiểm tra nội dung gì đó thì thành phần ở xã không chỉ chủ tịch hay các thành viên hội nông dân xã mà còn có cả sự tham gia của phó bí thư thường trực, phó chủ tịch ủy ban, nhiều khi có cả bí thư, chủ tịch xã. Nếu giả sử một địa phương nào đó mà không có các vị lãnh đạo UBND, HĐND, thường trực cấp ủy tham dự hoặc tiếp đón đoàn, nhiều khi bị “trên” đánh giá là không quan tâm.
Cũng vậy, hội phụ nữ cấp tỉnh đi kiểm tra một huyện thì ở huyện thành phần đâu chỉ có hội phụ nữ huyện mà còn có rất nhiều lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc huyện. Nếu huyện nào đó không có lãnh đạo thuộc hàng cao nhất tiếp và làm việc với đoàn thì cũng rất dễ bị đánh giá là không quan tâm này nọ...
Về phía thành phần đoàn kiểm tra cũng vậy. Ban dân vận tỉnh ủy nếu đi kiểm tra ban dân vận đơn vị ở huyện thì thành phần đâu chỉ có người của ban tỉnh mà còn các thành viên là người của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Một đoàn do bí thư tỉnh đoàn đi kiểm tra công tác đoàn ở cấp huyện thường có cả đại diện của ban dân vận, mặt trận tổ quốc cùng cấp, v.v..
Hãy thử hình dung mỗi năm một đơn vị phải đón bao nhiêu đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra nào tới địa phương hoặc đơn vị cũng phải yêu cầu có lãnh đạo chủ chốt dự thì dù có “ba đầu sáu tay” họ cũng không thể dự hết, nói gì đến việc có thời gian để nghiên cứu hồ sơ, phát biểu, giải trình, báo cáo...
Hai là, các cơ quan, đơn vị không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị khi được giao nhiệm vụ chủ trì nội dung, công việc gì đó đã không dám “quyết”. Vì không dám quyết nên họ thường tổ chức các hội nghị mời đông đảo thành phần để xin ý kiến. Thành phần được mời đóng góp ý kiến có cả những đơn vị không hoặc liên quan rất ít đến chuyên môn, vì vậy các đơn vị ấy dù có tham dự đầy đủ song vì không hiểu biết sâu sắc vấn đề được mời tham gia góp ý nên các ý kiến nếu có cũng thường chung chung. Cách làm này không chỉ tạo ra tình trạng bận rộn, nhiều cuộc họp, mà còn dây dưa, kéo dài thời gian gây ảnh hưởng tới tiến độ của công việc.
Ba là, ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm. Hầu như ngành nào, nghề nào, đơn vị nào, địa phương nào cũng có ngày lễ, ngày kỷ niệm; đến ngày đó, dù không phải năm "chẵn" theo quy định vẫn tổ chức kỷ niệm và có nơi tổ chức rình rang, hoành tráng. Đã tổ chức thì phải có các khâu chuẩn bị, thời gian, công sức, vậy là chỉ riêng việc này (chưa bàn tới kinh phí) đã tốn rất nhiều thời gian. Rồi thì thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, cắt băng khánh này này nọ, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao... Nếu quanh năm suốt tháng cứ quay như chong chóng, quay với những lễ hội, kỷ niệm như thế thì làm sao không bận rộn, công việc không trì trệ.
Chúng tôi cho rằng để khắc phục tình trạng nêu trên cần:
Một là, cần ban hành quy định thật rõ ràng về thành phần đoàn cấp trên và đoàn cấp dưới trong các buổi tiếp và làm việc. Cũng cần quy định số lượng các đoàn kiểm tra từng cấp không quá bao nhiêu người theo quy định…
Hai là, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là tinh thần tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Những ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị khác nếu có cũng chỉ mang tính chất tham khảo và gợi ý, trách nhiệm chính vẫn là của đơn vị chủ trì. Đơn vị chủ trì phải thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm. Việc xin ý kiến hiện nay cũng nên hạn chế tình trạng tổ chức các hội nghị trực tiếp mà nên thông qua gửi công văn xin ý kiến đóng góp, góp ý, cả văn bản lẫn qua internet.
Ba là, cần có quy định các ngày lễ, truyền thống chỉ tổ chức kỷ niệm vào năm chẵn với mốc 10 năm. Các năm còn lại vào ngày kỷ niệm của ngành, địa phương, đơn vị chỉ cần thông báo, ôn lại ít phút vào buổi họp mặt nội bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngày ấy, người lãnh đạo sẽ dành vài mươi phút ôn lại truyền thống của cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như chúc mừng các thành viên thuộc tập thể.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay là việc hết sức cần thiết. Song nếu chỉ thực hiện nội dung này mà không thay đổi cách thức vận hành, cách thức làm việc thì hiệu quả cũng sẽ khó mà đạt được như kỳ vọng.