Thay vì bảo vệ và trân quý di tích lịch sử - văn hóa bằng hành động văn minh, một bộ phận giới trẻ nước ta lại thể hiện hành vi phá hoại khi viết, vẽ bậy lên di tích bất chấp quy định cấm. Thói quen này đã tạo ra hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế và gây tổn hại với di sản dân tộc.
Thói quen xấu khó bỏ
Mới đây, hình ảnh cột cờ trên đỉnh Fansipan bị bôi bẩn được chia sẻ lên mạng xã hội đã gây phẫn nộ. Bức ảnh với dòng chữ rất to và phản cảm "Tú love Nhung" ngay tại chân cột cờ đã nhận phải sự lên án kịch liệt, đa số ý kiến cho rằng đây là hành động kém ý thức khi vẽ bậy tại khu du lịch gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó, nhiều người còn kêu gọi truy tìm chủ nhân của những dòng chữ này để bắt họ lên lên đỉnh Fansipan tự tay xóa đi, coi đó là hành động tự kiểm điểm cho ý thức kém.
Đây không phải là lần đầu tiên những di tích nổi tiếng bị bôi bẩn như vậy. Trước đó, dòng chữ nguệch ngoạc "Thảo yêu Cường. 19.1.2019" được khắc lên một tảng đá tại một khu nghỉ chân giữa đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) cũng gây xôn xao trên các trang mạng xã hội.
Ngay tại Hà Nội, nhiều di tích cũng bị nạn vẽ bậy, khắc hình chữ hoành hành. Không khó để nhận thấy các bức tường xung quanh Cột cờ Hà Nội - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhiều năm qua chi chít các nét chữ là những ký tự đủ thể loại, thậm chí nhiều đoạn tường còn khắc tên nham nhở. Tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long... cũng là địa điểm lý tưởng cho các cặp đôi yêu nhau hay du khách lần đầu ghé thăm ghi lại dấu vết xấu xí của mình. Tại cầu Long Biên, dọc lan can cầu, xuất hiện hàng chục ổ khóa với những dòng chữ chi chít. Sau khi gắn ổ khóa lên thành cầu, cặp đôi sẽ ném chìa khóa xuống sông với mong muốn tình yêu bền chặt. Theo thời gian, những ổ khóa bắt đầu hoen rỉ cùng cây cầu hơn 100 năm tuổi đã tạo nên một hình ảnh kém thẩm mỹ và vô tình khiến cây cầu phải chịu tải nặng hơn. Để tránh gây ảnh hưởng tới hiện trạng và mỹ quan của cầu Long Biên, cơ quan chức năng đã phải tổ chức dọn ổ khóa. Tuy nhiên, các cặp đôi vẫn bất chấp để lại những ổ khóa trên cầu.
Không chỉ có các công trình công cộng bị bôi bẩn mà ngay cả di tích tâm linh cũng trở thành mục tiêu cho những hành động kém ý thức này. Chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay chùa Cổ Lễ (Nam Định) đã từng có thời gian bị du khách khắc những hình vẽ, chữ ký, những lời yêu đương nhăng nhít và cả những dòng bày tỏ ngưỡng mộ di tích. Các bậc trụ trì Cổ Lễ từng phải kêu trời khi du khách viết chi chít lên gác ba tầng của chùa, thậm chí nhiều du khách còn trèo lên tận tầng 3 để khắc tên mình trong lòng chuông. Cách đây không lâu, dẫu chuyện viết vẽ bậy tại khu vực đặt chiếc trống cái và chiếc chuông tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị cấm từ lâu, nhưng vẫn xuất hiện rất nhiều những hình ảnh, dòng chữ của ai đó xuất hiện trên thành trống, trên thân chiếc chuông đồng.
Đáng buồn rằng những hình ảnh xấu xí này không chỉ có ở Việt Nam mà còn lan sang cả nước ngoài. Vụ việc Ban quản lý thành cổ Yonago (Nhật Bản) cho biết một phiến đã tại di tích này bị vẽ bậy với các ký tự "A.HÀO" cùng hai hình ngôi sao và hình trái tim, gây hư hỏng một diện tích trên phiến đá cổ. Những hình ảnh lan truyền trên các trang báo của Nhật Bản, nhiều người dân Việt Nam nhận định dòng chữ "A. HÀO" do một người Việt nào đó đã từng đến thành cổ Yonago cố ý khắc. Ban quản lý thành cổ Yonago đánh giá, tàn tích thành cổ này là một dấu ấn lịch sử Nhật Bản và cũng là một biểu tượng của chính thành phố. Việc viết, khắc chữ lên phiến đã khiến người dân Nhật Bản lên án gay gắt bởi đó là hành động phá hoại di sản. Hành vi trên đã thể hiện hành vi thiếu ý thức và tạo một hình ảnh thiếu thiện cảm của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Cần mạnh tay xử lý
Việc vẽ bậy lên di tích lịch sử đang là một vấn đề trong một bộ phận giới trẻ ở nước ta. Điều này không chỉ góp phần làm biến dạng di tích, thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử, truyền thống mà còn làm móp méo đi những giá trị văn hóa, nét đẹp của đất nước trong mắt du khách quốc tế.
Hiện tại, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có vụ việc nào được xử lý triệt để, đủ sức răn đe cho nhiều người.
Ở các nước khu vực, đối với những hành vi vẽ viết bậy lên di tích sẽ bị xử lý khá nặng. Ví dụ như Thái Lan, việc xâm hại di tích có thể chịu mức phạt tiền lên đến 10 triệu baht (7 tỉ đồng). Singapore quy định rõ ràng những hành động phá hoại công trình văn hóa, công cộng bị phạt từ 3 đến 8 roi và nộp phạt 2.000 đôla Singapore (hơn 3 triệu đồng Việt Nam), thậm chí còn phải ngồi tù đến 3 năm.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh các giải pháp về giáo dục và tuyên truyền một cách mạnh mẽ, thiết thực hơn tới giới trẻ. Việc này phải được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ trẻ từ khi các em còn nhỏ. Một khi ý thức bảo vệc di tích đã ngấm vào máu sẽ góp phần hạn chế "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" thời gian qua, đồng thời không để các di tích lịch sử bị xâm hại, phá hoại như đã từng.
Đan Thùy