Ngày 12.12 tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố hợp tác triển khai IBM Watson for Oncology - công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ bác sỹ đưa ra các lựa chọn ung thư dựa trên trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư.
Lần đầu tiên, Việt Nam thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư. Ứng dụng công nghệ này, người bệnh chỉ cần ở trong nước mà không phải ra nước ngoài vẫn nhận được phác đồ điều trị.
IBM Watson for Oncology được phát triển từ sự hợp tác giữa IBM và Trung tâm Ung bướu Memorial Sloan Kettering– trung tâm ung thư hàng đầu tại Mỹ với hơn 130 năm vận hành và phát triển. Hệ thống máy tính này cung cấp rất nhiều chứng cứ y khoa cho bác sĩ lựa chọn, rút ra từ hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 sách giáo khoa, và gần 15 triệu trang bản thảo, nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các phác đồ điều trị khác nhau.
Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, cơ sở y tế chúng ta cùng chung tay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động quản lý và khám chữa bệnh; đồng thời cũng biểu dương IBM Việt Nam đã mang công nghệ tới góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. "Tôi hy vọng rằng các đơn vị phối hợp triển khai chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để bác sỹ và người bệnh sớm được tiếp cận với công nghệ mới này, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị của ngành y tế trong lĩnh vực ung thư - thứ trưởng nhấn mạnh.
Có mặt tại sự kiện này với vai trò là đơn vị đầu tiên thí điểm công nghệ IBM Watson for Oncology, đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ - Bác sỹ CK II Ngô Hữu Hà khẳng định: “Công nghệ IBM Watson for Oncology được áp dụng trong việc hỗ trợ bác sỹ điều trị ung thư tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chắc chắn thành công và hiệu quả, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với IBM và Five9 để công nghệ này sớm đưa ra phục vụ bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận”.
Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty hỗ trợ triển khai IBM Watson for Oncology trong điều trị ung thư bằng trí tuệ nhân tạo
Cũng đưa ra ý kiến của mình, bác sĩ Tuấn Anh, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) lấy ví dụ về trường hợp một bệnh nhân nữ 50 tuổi, bị ung thư đại tràng giai đoạn 2, đã phẫu thuật cắt đoạn đại tràng có khối u, chưa có di căn hạch, nhưng có tắc ruột… Vấn đề là bệnh nhân liệu có cần điều trị hỗ trợ hóa trị sau phẫu thuật hay không; nếu ở giai đoạn 3, có di căn hạch thì điều này là chắc chắn. Nếu điều trị thì dùng phác đồ nào, loại thuốc nào để không làm nặng thêm bệnh kết hợp, đảm bảo chức năng gan, thận. Hiện, công nghệ này đã sẵn sàng để hỗ trợ các bác sĩ trong việc phát triển các phác đồ điều trị ung thư vú, phổi, đại trực, trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày, tuyến tiền liệt và bàng quang. Hệ thống này giúp đưa ra các phác đồ điều trị tối ưu cho từng bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện xếp 78 trên 172 nước trên bản đồ ung thư thế giới, với tỷ lệ tử vong là 110 người trên 100.000 dân. Số bệnh nhân ung thư cũng sẽ tăng từ 68.000 năm 2.000 lên 190.000 vào năm 2020 và hàng năm người Việt Nam đã chi hơn 2 tỉ đô la ra nước ngoài chữa bệnh. Đây là một con số rất đáng lưu ý, chính vì thế việc thí điểm một công nghệ hiện đại để giảm bớt những chi phí cho các bệnh nhân ung thư là một điều cần thiết hơn lúc nào hết.
Dạ Thảo - Ảnh: BTC